Những ai yêu thích xem các bộ phim cổ trang cung đình Trung Quốc hẳn cũng biết cảnh phi tần vừa mới sinh xong, các hoàng tử và công chúa sơ sinh đều bị đưa đi nơi khác, cũng không được chính mẹ mình nuôi nấng đến lớn, các phi tần cầu xin Hoàng đế cũng vô ích.
Theo lẽ thường, trẻ em được mẹ ruột chăm sóc là chuyện đương nhiên, tại sao thời phong kiến, phi tần không thể trực tiếp nuôi con, đặc biệt là không cho phép hoàng tử bú sữa mẹ, mà lại tìm bà vú?
Quả nhiên, mọi chuyện đều có nguyên do của nó!
1. Địa vị thấp, không có tư cách nuôi dạy con cái
Hậu cung của Hoàng đế có “ba nghìn giai lệ”, để thuận tiện cho việc quản lý, các phi tần được chia thành các cấp, trong đó hoàng hậu đương nhiên là cấp bậc cao nhất và sau đó là quý phi, phi, tần, quý nhân, thường tại, đáp ứng (theo chế độ cấp bậc phi tần nhà Thanh).
Mặc dù hôn nhân của Hoàng đế thường bao gồm yếu tố thâu tóm quyền lực và liên kết sức mạnh từ các gia tộc lớn, nhưng đây chỉ là số ít mà thôi. Hoàng đế thường có nhiều phi tần qua các đợt tuyển tú, suy cho cùng mục đích chính là tìm kiếm con trai nối dõi tông thất hoàng gia, chọn người kế vị tương lai.
Ngay sau khi phi tần sinh ra hoàng tử hoặc công chúa, triều đình lập tức cử người đưa đứa trẻ đi, đôi khi trao cho hoàng hậu hoặc các phi tần khác có địa vị cao hơn để nuôi dưỡng. Mà hoàng hậu hoặc phi tần này không sinh con nên đương nhiên không thể có sữa, cho nên bà vú hoàng gia sẽ làm điều này.
Đây là nỗi buồn của các phi tần có địa vị thấp trong hậu cung, không thể tự mình nuôi dạy con cái, vì vậy họ luôn tìm đủ mọi cách có thể để tranh giành địa vị cao hơn.
2. Cho con bú sẽ làm xấu hình ảnh hoàng thất
Mẹ nuôi con nhỏ, việc cho con bú là lẽ đương nhiên.
Tuy nhiên, ở thời phong kiến, phụ nữ phải kín cổng cao tường, lộ chân còn gây phản cảm chứ đừng nói đến việc để ngực trần cho con bú.
Do đó, ngay cả khi phi tần có sữa, họ cũng không thể tự cho con bú mà phải giao cho bà vú, chỉ để duy trì phẩm giá và hình ảnh của hoàng thất.
3. Tránh trường hợp bị thất sủng
Hậu cung của Hoàng đế nhiều vô số kể, tuy nói “ba nghìn giai lệ” có hơi phóng đại, nhưng ít nhất cũng phải hàng chục, hàng trăm. Vì vậy, mỗi vị phi tần luôn cố gắng để Hoàng đế luôn nhớ đến mình, nhận được càng nhiều ân sủng càng tốt. Nhờ đó họ mới dễ dàng bước lên đài cao hơn, trở thành Mẫu nghi thiên hạ, tức làm hoàng hậu, là mục tiêu cuối cùng.
Cho dù phi tần được Hoàng đế sủng ái và sinh ra hoàng tử một cách suôn sẻ, nhưng nếu tự nuôi con bằng sữa mẹ, thì không thể tránh khỏi việc cơ thể nàng sẽ bị mất dáng, có mùi lạ, thậm chí là không có thời gian dành cho Hoàng đế, từ đó rất dễ bị Thiên tử chán ghét và thất sủng.
Đối với Hoàng đế, ngài có quá nhiều phi tần để lựa chọn, nên không cần phải dành quá nhiều thời gian hay cân nhắc cho người quá bận bịu với việc chăm con.
Hậu thế có thể thắc mắc rằng nếu con của phi tần đó là hoàng tử, có thể trở thành thái tử kế vị tương lai, cho nên Hoàng đế đương nhiên dành nhiều sủng ái hơn dẫu nàng có tự nuôi con đi chăng nữa. Thế nhưng nên biết rằng Hoàng đế có nhiều phi tần, và việc phi tần sinh được con trai không phải hiếm hoi. Hơn nữa, hoàng tử đó có trở thành thái tử hay không cũng là chuyện sau này. Vì vậy việc sinh được con trai cũng chưa chắc giữ được địa vị hiện tại của phi tần.
Vinh quang của phi tần hoàn toàn phụ thuộc vào sự sủng ái của Hoàng đế, một khi bị thất sủng thì khó mà tồn tại an ổn trong thâm cung hiểm ác.
4. Ngăn chặn ngoại tộc can chính
Trong triều đại phong kiến, đấu tranh giành quyền lực vô cùng khắc nghiệt, hậu cung đấu đá lẫn nhau cũng không hề kém cạnh.
Nếu được nuôi dưỡng bởi mẹ ruột của mình, hoàng tử đa phần có mối liên kết sâu sắc với dòng tộc phía ngoại. Sau khi Hoàng đế băng hà, Tân đế lên ngôi, sẽ ưu ái dòng tộc của mẹ, dẫn đến thế lực của tông thất hoàng gia bị đe dọa, uy hiếp hoàng quyền.
Ví dụ, Hán Vũ đế được nuôi dưỡng bởi mẹ ruột Vương hoàng hậu. Sau khi Hán Vũ đế đăng cơ, Vương hoàng hậu đương nhiên trở thành Thái hậu, bà đã hỗ trợ em trai cùng cha khác mẹ là Điền Phấn ngồi vào vị trí thừa tướng, làm mất cân bằng thế lực triều đình lúc bấy giờ, thậm chí còn đe dọa ngai vàng của Vũ đế.
Mặc dù Hán Vũ đế về sau vẫn làm chủ được ngôi vị của mình nhưng suốt một thời gian dài, ông đã bị mẹ và thế lực phía ngoại chèn ép, chi phối. Đây chính là một bài học để các đời Hoàng đế, triều đại sau tránh phạm phải. Nên việc triều đình, cụ thể là nhà Thanh, không cho phi tần trực tiếp nuôi dưỡng con cái cũng vì nguyên nhân này mà ra.
Nguồn: Sohu