Theo báo cáo Xu hướng Nhu cầu vàng (Gold Demand Trends) quý 3/2022 của tổ chức có trụ sở ở London, Anh, nhu cầu tiêu thụ vàng tại Việt Nam đã giảm 1% trong quý, còn 11,9 tấn, từ mức 12 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nhu cầu nữ trang giảm 14% còn 3 tấn từ mức 3,5 tấn ghi nhận vào quý 3/2022. Trái lại, nhu cầu vàng vật chất tăng 4% lên 8,8 tấn từ 8,5 tấn cùng kỳ năm ngoái.
“Nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam đã có quý thấp thứ ba kể từ năm 2021 đến nay. Lạm phát tăng và tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự báo đã ảnh hưởng tới tiêu dùng. Nhưng mặt khác, sự mất giá của tiền đồng Việt Nam cũng khuyến khích nhà đầu tư tìm đến vàng miếng để bảo toàn giá trị tài sản. Họ đã nhân đợt giá vàng điều chỉnh trong tháng 8 để mua vào”, ông Shaokai Fan, trưởng bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của WGC nhận định.
Trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương duy trì ở mức lịch sử là điểm đáng chú ý trong quý 3 vừa qua, theo báo cáo.
Lực mua của các ngân hàng trung ương góp phần đưa nhu cầu vàng toàn cầu trong quý (không bao gồm thị trường OTC) tăng lên mức 1.147 tấn, cao hơn 8% so với mức bình quân quý 3 của 5 năm gần nhất, nhưng giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả thị trường OTC, tổng nhu cầu vàng toàn cầu đạt 1.267 tấn trong quý 3, tăng 6% so với cùng kỳ 2022.
Dữ liệu do WGC đưa ra cho thấy quý 3/2023 là quý mua ròng vàng mạnh thứ ba từ trước đến nay của các ngân hàng trung ương, với tổng lượng mua ròng đạt 337 tấn. Dù lượng mua này thấp hơn so với mức kỷ lục 459 tấn thiết lập vào tháng 3/2022, tổng lượng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương từ đầu năm đến nay đã đạt 800 tấn, một mức kỷ lục mới. Nếu nhu cầu vàng của nhóm này tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của năm như dự báo, năm nay sẽ lại là một năm mà các ngân hàng trung ương mua ròng vàng mạnh mẽ.
Nhu cầu đầu tư vàng trên toàn cầu đạt 157 tấn trong quý 3, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn nhiều so với mức bình quân quý 3 của 5 năm gần nhất là 315 tấn.
Trong đó, sự sụt giảm nhu cầu đầu tư vàng ở châu Âu gây suy giảm nhu cầu vàng thỏi và tiền xu vàng toàn cầu. Tuy nhiên, ở mức 296 tấn, nhu cầu vàng thỏi và tiền xu vàng trong quý 3 đã tăng so với quý trước và cao hơn so với mức bình quân của 5 năm.
Đầu tư của các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng tiếp tục giảm trong quý 3, chủ yếu do các nhà đầu tư lo ngại rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao. Dù vậy, nhu cầu đầu tư vàng trên thị trường OTC duy trì ở mức cao, đạt 120 tấn trong quý.
Nhu cầu vàng trang sức nhìn chung duy trì vững trong bối cảnh giá vàng tăng cao. Dù vậy, tổng nhu cầu vàng trang sức toàn cầu giảm 2% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái, còn 516 tấn, do sức ép từ chi phí sinh hoạt gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Về phía nguồn cung, tổng cung vàng toàn cầu tăng 6% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng vàng khai mỏ đạt 2.744 tấn và sản lượng vàng tái chế đạt 289 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Nhu cầu vàng đã duy trì vững trong năm nay, bất chấp trở ngại từ lãi suất cao và đồng USD tăng giá. Báo cáo của WGC cho thấy nhu cầu vàng vẫn mạnh trong quý 3 nếu so với mức bình quân của 5 năm. Trong thời gian tới, với căng thẳng địa chính trị tăng và các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng, nhu cầu vàng sẽ tiếp tục gia tăng”, nhà phân tích Louise Street của WGC nhận định.