Ngày 30/10 tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn, đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án trọng điểm này.
Gói thầu tỷ đô trao cho liên danh McDermott và PVS
Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn là chuỗi dự án khí điện nội địa bao gồm: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), Dự án đường ống Lô B – Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn, với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD. Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 04 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW.
Trong thời gian qua, vì nhiều lý do khách quan trong các thủ tục đầu tư các dự án nhà máy điện hạ nguồn, cũng như còn tồn tại, vướng mắc trong cơ chế chính sách về tiêu thụ khí điện, vận hành thị trường điện để các hộ tiêu thụ có thể ký kết hợp đồng thương mại dẫn đến việc nhiều mốc tiến độ quan trọng của chuỗi bị chậm so với kế hoạch ban đầu.
Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định để Petrovietnam chính thức là chủ đầu tư tiếp tục triển khai hai dự án này thay cho Tập đoàn Điện lực EVN. Với việc này, Petrovietnam tham gia đầu tư vào toàn Chuỗi dự án từ thượng nguồn tới hạ nguồn.
Các chủ đầu tư chính của dự án bao gồm: PVN (thượng nguồn và các nhà máy điện Ô Môn 3 và 4 vừa được chuyển giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam); Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, tập đoàn năng lượng Thái Lan PTTEP, tập đoàn năng lượng Nhật Bản Mitsui Oil Exploration MOECO (thượng nguồn); Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã cổ phiếu GAS) (trung nguồn); tập đoàn Nhật Bản Marubeni (Nhà máy điện Ô Môn 2); và Tổng công ty Phát điện 2 (GENCO 2) (Nhà máy điện Ô Môn 1).
Đáng chú ý, gói thầu EPCI#1 trị giá gần 1,1 tỷ USD với các điều khoản giới hạn với hợp đồng Thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở đã được trao cho liên doanh xây dựng McDermott (Mỹ) – Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS).
Liên danh này được phép thực hiện một số công việc chuẩn bị sớm cho hợp đồng EPC mặc dù chưa có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) đối với cả dự án Lô B – Ô Môn. Giá trị phần việc được thực hiện sẽ tương đối nhỏ cho đến khi cả dự án nhận được FID.
Động thái này nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ của gói thầu trong trường hợp nhà đầu tư đạt FID muộn hơn dự kiến. Trong trường hợp không đạt được FID, chi phí cho công việc ban đầu này sẽ do các nhà đầu tư chịu.
MCDermott: Doanh nghiệp trăm tuổi trong ngành giải pháp kỹ thuật năng lượng, 2 lần nộp đơn xin bảo hộ phá sản
McDermott là doanh nghiệp có tuổi đời lên tới con số 100, chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật và xây dựng hàng đầu trong ngành năng lượng. Có trụ sở đặt tại Houston, Hoa Kỳ, công ty đã nhanh chóng vươn mình ra ngoài thế giới khi hoạt động tại 54 quốc gia với hơn 30.000 nhân viên cùng một đội tàu xây dựng hàng hải chuyên dụng và các cơ sở chế tạo.
Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu tại 3 khu vực lớn là Bắc, Trung và Nam Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi và châu Á – Thái Bình Dương. McDermott hợp nhất với Chicago Bridge & Iron Company (CB&I) vào năm 2018 trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và tiếp tục hoạt động cho tới ngày nay trong nhiều lĩnh vực liên quan tới năng lượng.
Cụ thể, McDermott tập trung vào các hoạt động phát triển mỏ dầu ngoài khơi (bao gồm hệ thống sản xuất dầu và khí đốt ngoài khơi, tàu sản xuất nổi, kho chứa…), vận hành cơ sở khí tự nhiên hoá lỏng LNG (từ phát triển ý tưởng, thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành ban đầu các nhà máy…), lọc và hoá dầu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cấp phép các công nghệ hóa dầu, lọc, khí hóa và xử lý khí độc quyền thông qua công ty con Lummus Technology khi sở hữu 130 công nghệ cùng gần 3.500 bằng sáng chế. Thêm vào đó, McDermott cũng hỗ trợ các giải pháp bền vững hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh thông qua những công nghệ số nổi bật.
Cuối cùng, với CB&I – công ty nằm trong doanh nghiệp hợp nhất với hơn 59.000 công trình được hoàn thiện trong hơn 130 năm tuổi đời, McDermott cung cấp dịch vụ thiết kế và xây dựng cơ sở lưu trữ, bể chứa và thiết bị đầu cuối cho mảng năng lượng.
Mặc dù là một doanh nghiệp tương đối lâu đời và đạt được nhiều thành công, song McDermott đã 2 lần nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên Toà án.
Năm 2020, họ lần đầu nộp đơn phá sản theo Chương 11 sau khi gặp nhiều khó khăn trong thương vụ sáp nhập với CB&I, đồng thời huỷ niêm yết trên thị trường chứng khoán do hàng tỷ USD thua lỗ từ các dự án về LNG tại Mỹ.
Bảo hộ phá sản được quy định tại Chương 11 Luật Phá sản Hoa Kỳ. Việc một doanh nghiệp nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi lại hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giải quyết các vấn đề tài chính, doanh nghiệp nộp đơn xin bảo hộ phá sản tiếp tục hoạt động dưới sự giám sát của Tòa án. Nếu việc phục hồi của doanh nghiệp thành công, doanh nghiệp sẽ thoát khỏi nguy cơ bị phá sản, trả được các khoản nợ cho chủ nợ của mình và tiếp tục các hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, theo Reuters, McDermott xin tái cơ cấu thông qua nguồn tài trợ từ nợ (DIP) trị giá 2,81 tỷ USD. McDermott cũng đã ký một thỏa thuận bán bộ phận Công nghệ Lummus của mình với giá 2,73 tỷ USD.
Các gói tài trợ DIP cho phép các công ty phá sản tiếp tục kinh doanh và cấp vốn cho các hoạt động khi vụ việc phá sản được tiến hành.
Tổng số nợ của McDermott có trụ sở tại Texas là 9,86 tỷ USD tính đến ngày 4 tháng 11 năm 2019.
Giám đốc điều hành của McDermott David Dickson cho biết: “Kết quả của giao dịch là chúng tôi sẽ loại bỏ khoản nợ hơn 4,6 tỷ USD khỏi bảng cân đối kế toán của mình và chúng tôi sẽ có được tính thanh khoản mạnh mẽ cũng như nguồn tài chính đáng kể để thực hiện các dự án tồn đọng của khách hàng”.
Lần cuối cùng công ty công bố báo cáo tài chính là vào quý 3 năm 2019, với doanh thu 2,1 tỷ USD cùng khoản lỗ lên tới 1,9 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi tái cơ cấu công ty mẹ cùng 247 công ty liên kết, McDermott thoát khỏi tình trạng phá sản vào tháng 6 cùng năm.
Tới tháng 10 năm nay, công ty tiếp tục nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 tại toà án Nam Texas, Hoa Kỳ.
Chương 15 của Luật Phá sản Mỹ bảo vệ các công ty ngoài Mỹ đang trải qua quá trình tái cơ cấu nợ khỏi việc chủ nợ tìm cách kiện hoặc giữ tài sản của doanh nghiệp đó ở Mỹ. Việc bảo hộ phá sản sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian và sự bảo vệ cần thiết để hoàn tất quá trình tái cơ cấu nợ.
Tại Việt Nam, McDermott đã từng tham gia ký kết thoả thuận phát triển dự án điện khí sử dụng LNG tại Bạc Liêu từ năm 2020 với Bechtel và General Electric nhằm cung cấp các thiết bị và dịch vụ kỹ thuật trong gói thầu trị giá hơn 3 tỷ USD.