Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 2/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
CÁC BỆNH VIỆN CHUYÊN KHOA TUYẾN TỈNH GẶP KHÓ DO KHÔNG CÓ HƯỚNG DẪN VỀ SUẤT VỐN ĐẦU TƯ
Tham gia ý kiến về một số vấn đề trong lĩnh vực y tế, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, cho rằng, quy định về suất vốn đầu tư với công trình y tế còn bất cập.
Nhằm phục vụ cho việc xác định tổng mức đầu tư xây dựng, xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở giai đoạn chuẩn bị dự án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 510 về công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình, bao gồm các công trình y tế.
Suất vốn đầu tư xây dựng công trình tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình chuẩn bị dự án.
Tuy nhiên, đối với lĩnh vực y tế, Quyết định 510 chỉ quy định suất vốn đầu tư cho các công trình bệnh viện đa khoa từ 50-1.000 giường bệnh và công trình bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương với 1.000 giường bệnh.
Trong khi đó, nhiều địa phương hiện nay đang sử dụng vốn đầu tư công để xây dựng bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh, thành phố với quy mô dưới 1.000 giường (ở Hà Nội đang thực hiện Dự án Bệnh viện Thận-Tiết niệu và Bệnh viện Nhi Hà Nội, bệnh viện Mắt, bệnh viện Mê Linh…).
Bà Hà cho biết quá trình triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư với các bệnh viện chuyên khoa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do không có hướng dẫn về suất vốn đầu tư đối với bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh (Quyết định 510 không quy định loại hình cơ sở này).
Đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung thêm quy định về suất vốn đầu tư đối với bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh vào Quyết định 510 để làm cơ sở xác định tổng mức vốn đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công của ngành y tế.
VƯỚNG MẮC TRONG ĐẤU THẦU MUA SẮM TRANG THIẾT BỊ Y TẾ
Đại biểu cũng nêu các vướng mắc trong xác định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị y tế chuyên dùng đối với việc xây dựng mới cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
Một trong những giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả trong lĩnh vực y tế là xây dựng các bệnh viện mới, vừa chủ động thực hiện chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân, đồng thời giải quyết được vấn đề quy hoạch mạng lưới y tế, hài hòa giữa y tế cơ sở và y tế chuyên sâu, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Hiện nay, Hà Nội đã dành 19 nghìn tỷ đồng để đầu tư công trung hạn cho lĩnh vực y tế giai đoạn 2021- 2025, trong đó ưu tiên hoàn thành sớm một số bệnh viện đa khoa lớn. Tuy nhiên, một trong vướng mắc trong quá trình triển khai các Dự án là việc xác định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị y tế chuyên dùng khi xây dựng mới các bệnh viện.
Theo quy định tại Thông tư 08 của Bộ Y tế, hồ sơ phê duyệt tiêu chuẩn định mức trang thiết bị y tế chuyên dụng yêu cầu phải có cơ cấu tổ chức cụ thể, kê khai nhân lực, văn bản phê duyệt phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, nhu cầu sử dụng từng loại trang thiết bị trong 3 năm tiếp theo, Đây là yêu cầu dành cho các cơ sở y tế đang hoạt động.
Đối với những bệnh viện đang trong quá trình lập dự án, triển khai xây dựng mới, những nội dung theo yêu cầu của Thông tư 08 chỉ là dự kiến. Vì vậy không thể đủ cơ sở theo quy định để xác định tiểu chuẩn định mức máy móc, trang thiết bị y tế để thực hiện lập hồ sơ, đề xuất chủ trương xây dựng bệnh viện mới.
Do đó, bà Hà đề nghị Bộ Y tế sớm sửa đổi Thông tư 08 để hướng dẫn cụ thể việc xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trang thiết bị y tế chuyên dùng làm cơ sở lập hồ sở, đề xuất chủ trương, triển khai mua sắm tại các dự án đầu tư công xây dựng mới các bệnh viện.
Nêu các vướng mắc trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, bà Hà cho hay, tháng 3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 07 sửa đổi bổ sung Nghị định 98 năm 2021 về quản lý trang thiết bị y tế. Đồng thời để tháo gỡ khó khăn trong bảo đảm thuốc và trang thiết bị y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30.
Đến ngày 30/6, Bộ Y tế mới ban hành Thông tư 14 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên, Thông tư 14 được xem như giải pháp có tính tình thế, tạm thời vì hiệu lực của Thông tư chỉ kéo dài 6 tháng, đến 31/12/2023″, bà Hà nói.
Trên thực tế, việc mua sắm trang thiết bị y tế từ giai đoạn lựa chọn danh mục đến phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, thương thảo ký kết hợp đồng có thể kéo dài từ 3 cho đến 8 tháng phụ thuộc vào danh mục trang thiết bị. Có thể thấy, thời gian có hiệu lực của Thông tư 14 quá ngắn đối với việc triển khai mua sắm trang thiết bị y tế ở các dự án đầu tư công.
Vướng mắc cũng nằm ở thời điểm 1/1/2024 khi Luật Đấu thầu số 22 có hiệu lực. Trường hợp, đến ngày 1/1/2024 các dự án đầu tư xây dựng mới các bệnh viện có các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế đã tổ chức họp Hội đồng lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và kỹ thuật cơ bản, tham khảo giá thiết bị y tế theo quy định tại Thông tư 14, nhưng các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu chưa kịp ban hành, các dự dự án triển khai sẽ rất vướng mắc và phải chờ đợi.
Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị Chính phủ quan tâm tới quy định chuyển tiếp liên quan đến đầu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế từ Thông tư 14 sang thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan, đảm bảo việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế không bị chậm trễ, không phải chờ các văn bản hướng dẫn, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả giải ngân đầu tư công.
CẦN GIẢI PHÁP CÓ TÍNH ĐẶC THÙ, ĐẶC CÁCH ĐỀ MUA VACCINE
Về vấn đề cơ chế đặc thù cho mua sắm vaccine trong bối cảnh hiện nay, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ, trong phiên họp 1/11/2023, đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế đã có giải trình về các nội dung liên quan đến việc mua sắm vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu vaccine, đặc biệt là sau khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98 bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế mua vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thiếu vắc xin là một vấn đề nghiêm trọng. Theo WHO và UNICEF, tiêm chủng và tuân thủ lịch tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh chủ động, một trong những phương thức hiệu quả nhất để bảo vệ sức khoẻ trẻ em. Trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Tại Hà Nội, đến tháng 11 có 5/10 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không được cấp đủ để tiêm chủng cho trẻ như: Vắc xin Sởi đơn, Bạch hầu- Ho gà- Uốn ván, Lao, Viêm gan B, Bại liệt dạng tiêm.
Tổ chức y tế thế giới WHO đã xếp khả năng bệnh bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao từ đầu năm 2023, nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu vaccine bại liệt.
Ngay tại Hà Nội, đến tháng 11 có 5 trên 10 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không được cấp đủ để tiêm chủng cho trẻ như: Vắc xin Sởi đơn, Bạch hầu- Ho gà- Uốn ván, Lao, Viêm gan B, Bại liệt dạng tiêm.
Không có vaccine tiêm chủng mở rộng, người dân phải tìm đến tiêm dịch vụ tốn kém và khi thiếu vắc xin miễn phí thì đối tượng bị ảnh hưởng nhất chính là những trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện khả năng tiếp cận vaccine dịch vụ.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ dành sự quan tâm cho vấn đề này. Chính phủ cần coi đây là tình huống cấp bách, để đưa ra các giải pháp có tính đặc thù, đặc cách, để mua vaccine ngay nhằm đảm bảo cho trẻ em được tiêm chủng đúng liều, đúng lịch.