Chia cổ tức tiền mặt ‘khủng’
Ngày 2/11 tới đây, gần 7.000 tỷ đồng cổ tức sẽ về tài khoản cổ đông của Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS, HoSE: GAS). Theo phương án đã được cổ đông thông qua, tổng công ty sẽ trả cổ tức tiền mặt năm 2022 tỷ lệ 36% mệnh giá và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 20% (sở hữu 10 cổ phiếu cũ sẽ được 2 cổ phiếu mới). Tức tổng tỷ lệ chia thưởng đạt đến 56%, mức chia thưởng cao nhất từ trước đến nay.
PV GAS đã chốt danh sách cổ đông chia cổ tức tiền mặt 2022 ngày 30/8 và thưởng cổ phiếu ngày 25/9 vừa qua. Lượng cổ phiếu phát hành thêm dự kiến sẽ về tài khoản nhà đầu tư và được giao dịch trong tháng 11.
Nhìn lại lịch sử từ thời điểm lên sàn 2012 đến nay, “ông lớn” dầu khí luôn chia cổ tức tiền mặt đều đặn trên 30% mỗi năm. Những năm có kết quả kinh doanh tốt như 2018 – 2019, tỷ lệ chi trả có thể lên đến 45 – 53%. Năm 2023, tổng công ty đặt mục tiêu trả cổ tức tiền mặt 20% vốn điều lệ. Tỷ lệ thanh toán thực tế phụ thuộc vào kết quả kinh doanh và thường cao hơn kế hoạch đề ra.
Kết quả kinh doanh khả quan là yếu tố giúp tập đoàn duy trì được chính sách cổ tức hấp dẫn như trên. Giai đoạn 2006 – 2022, tổng công ty ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh. Doanh thu đạt 14.649 tỷ đồng năm 2006 cán mốc 100.000 tỷ đồng vào 2022, lợi nhuận ròng từ 3.904 tỷ đồng lên 14.798 tỷ đồng.
Năm nay, PV GAS lên kế hoạch doanh thu 76.441 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.539 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết các chỉ tiêu tài chính được xây dựng, phê duyệt theo phương án giá dầu 70 USD/thùng. Theo BCTC hợp nhất quý III vừa công bố, qua 9 tháng, tổng công ty ghi nhận 67.383 tỷ đồng doanh thu thuần, thực hiện 88% kế hoạch năm; lãi sau thuế 9.017 tỷ đồng, vượt 38% kế hoạch năm.
Kết quả kinh doanh của PV GAS phụ thuộc nhiều vào giá dầu. Hiện, giá dầu brent giao dịch ở mức 86,5 USD/thùng, cao hơn vùng giá bình quân quý IV/2022. Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng giá dầu có thể giữ ở mức cao từ đây cho đến cuối năm nhờ hành động cắt giảm sản lượng của OPEC+, vấn đề Nga – Ukraine tiếp diễn làm hạn chế nguồn cung từ Nga và nhu cầu dự kiến tăng khi nền kinh tế phục hồi.
Bên cạnh giá dầu tăng thì doanh thu tổng công ty trong thời gian còn lại của năm có triển vọng tăng nhờ nhu cầu phục hồi từ các doanh nghiệp FDI và kho LNG Thị Vải bắt đầu đóng góp doanh thu.
Gần 40.000 tỷ đồng tiền và tiền gửi
Tại thời điểm 30/9, tổng công ty có 10.851 tỷ đồng tiền, tăng thêm 300 tỷ so với đầu năm. Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi) đạt 28.908 tỷ đồng, tăng thêm gần 5.200 tỷ. Tổng tiền và tiền gửi đạt 39.759 tỷ đồng, chiếm 47% tổng tài sản.
Ở phần nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đạt 62.671 tỷ đồng nhưng vốn điều lệ chỉ 19.139 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển 27.581 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 14.309 tỷ đồng. Doanh nghiệp gia tăng nợ vay lên 8.037 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu chỉ 13%.
PV GAS là đơn vị hàng đầu, chủ đạo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Trong quá trình hơn 30 năm phát triển, PV GAS hiện là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sở hữu và vận hành hệ thống khí hoàn chỉnh từ khâu thu gom, tàng trữ, chế biến đến kinh doanh khí và các sản phẩm khí. Tổng công ty cung cấp khí ổn định để sản xuất trên 11% sản lượng điện, khoảng 70% sản lượng phân đạm và đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước (trong đó 80% thị phần miền Nam, 57% miền Bắc và 64% miền Trung), thị phần bán lẻ LPG đạt 11%.
Trong các năm tới, bước đi quan trọng nhất của PV GAS là tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng làm tiền đề để mở rộng hoạt động cung ứng và kinh doanh LNG. Tài chính lành mạnh cùng nguồn tiền dồi dào giúp PV Gas thực hiện hóa mục tiêu trở thành doanh nghiệp số 1 Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng và cung ứng LNG.
Tổng công ty vừa khánh thành giai đoạn 1 công trình kho cảng LNG Thị Vải 1 triệu tấn mỗi năm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – kho LNG đầu tiên tại Việt Nam sau 4 năm triển khai. Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch HĐQT PV GAS cho biết sẽ sớm triển khai giai đoạn 2 của dự án nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm. Đồng thời, tổng công ty cũng đang đầu tư xây dựng Kho cảng nhập khẩu LNG Mỹ Sơn tại tỉnh Bình Thuận công suất dự kiến khi hoàn thành giai đoạn 1 là 3,6 triệu tấn LNG và lên 10 triệu tấn LNG mỗi năm cho cả 2 giai đoạn.
Ngoài ra, PV GAS sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng và hệ thống vận chuyển LNG theo mô hình “Kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub) cung cấp nguồn khí tái hóa cho các Trung tâm Nhiệt điện khí vệ tinh trên toàn quốc” với cả 3 khu vực trọng yếu trong hệ thống năng lượng quốc gia (công nghiệp khí và công nghiệp điện) bao gồm: Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Bắc Bộ/Bắc Trung Bộ. 3 LNG Hub này sẽ kết nối đồng bộ với hệ thống đường ống vận chuyển khí tái hóa/hệ thống vận chuyển LNG đường biển và hệ thống cung ứng LNG (đường biển/sông, đường bộ) đến các hộ tiêu thụ/trung tâm điện lực.