Công ty CP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) là doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất thị trường bất động sản . Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vinhomes trong quý III đạt 32.700 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 94.600 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 32.400 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ và đã vượt kế hoạch năm đề ra.
Tại thời điểm ngày 30/9, tiền và các khoản tương đương tiền của Vinhomes ở mức 2.910 tỷ đồng, riêng khoản tương đương tiền của VHM ghi nhận cuối quý III là 427 tỷ đồng. Vinhomes cho biết, các khoản tương đương tiền bao gồm các khoản đầu tư và các khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn từ 1 – 3 tháng, mức lãi suất hưởng từ 3,3 – 6,2%.
Doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 là Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) đã có lãi trở lại, sau 2 quý đầu năm thua lỗ. Quý III, Novaland đạt doanh thu hợp nhất hơn 1.070 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 137 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất (gồm doanh thu từ bán hàng và thu phí cung cấp dịch vụ) của Novaland là 2.740 tỷ đồng nhưng ghi nhận khoản lỗ gần 960 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9, tiền và các khoản tương đương tiền của Novaland là 3.435 tỷ đồng, giảm 60% so với cuối năm ngoái. Đối với các khoản tương đương tiền, Novaland ghi nhận 2.162 tỷ đồng cuối quý III, giảm 61,4% so với cuối năm 2022. Theo NVL, các khoản tương đương tiền là khoản gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc từ 1 – 3 tháng và hưởng lãi suất từ 2,5 – 6%/năm.
Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) ghi nhận doanh thu thuần gần 67 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu cho thấy công ty không phát sinh bất kỳ khoản doanh thu nào từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Theo đó, doanh thu QCG chỉ đến từ hai mảng là bán hàng hóa (hơn 18 tỷ đồng) và bán điện (gần 49 tỷ đồng).
Nhờ cộng gần 4 tỷ đồng chi phí thuế được hoàn lại, QCG lãi ròng hơn 10 tỷ đồng trong quý III, gấp hơn 6 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, sau 9 tháng, công ty vẫn lỗ ròng hơn 3 tỷ đồng. Đáng chú ý, lượng tiền mặt mà QCG đang nắm giữ chỉ còn hơn 30 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) lỗ ròng 65 tỷ đồng trong quý III và đây là quý lỗ thứ tư liên tiếp của doanh nghiệp này. Cộng thêm khoản lỗ ở quý I – II, hiện LDG đã lỗ ròng hơn 209 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 8 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9, LDG có tổng tài sản gần 2.094 tỷ đồng, giảm 14% so đầu năm. Thế nhưng, khoản tiền và tương đương tiền lại lên tới 47 tỷ đồng, gấp 15 lần đầu năm và hầu hết là khoản tiền gửi ngân hàng.
Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền trong quý III chỉ gần 53 tỷ đồng, giảm tới 80% so với cuối năm ngoái. Đáng chú ý, gần 53 tỷ đồng của Phát Đạt đều là tiền, không có các khoản tương đương tiền.
Tại thời điểm 30/9, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) ghi nhận 644 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng gần 42% so với cuối quý II. Trong đó, các khoản tương đương tiền gần 243 tỷ đồng, được gửi ngắn hạn có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng tại các ngân hàng và hưởng lãi suất từ 3 – 6%/năm. Còn lại 401 tỷ đồng là tiền mặt.
Với Công ty CP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG), cuối quý 3 ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền đạt 2.677 tỷ đồng, tăng 15,3% so với ngày 30/6. Trong đó, NLG ghi nhận tiền là 929 tỷ đồng, còn các khoản tương đương tiền là 1.749 tỷ đồng. Các khoản tương đương tiền thể hiện các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng với lãi suất dao động từ 4,1 – 6%/năm.