Trưa 1/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có giải trình trước Quốc hội về những vấn đề mà Đại biểu Quốc hội quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết trong bối cảnh vĩ mô toàn cầu có nhiều biến động khó lường tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã cùng lúc phải giải quyết nhiều nhiệm vụ: hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu còn neo cao; ổn định tỷ giá; mặt bằng lãi suất, tìm cách kích thích tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế và giữ an toàn hệ thống ngân hàng…
“Khi thiết kế các chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là chính sách phải ứng phó với những diễn biến cấp bách trước mắt nhưng cần phải thực hiện những nhiệm vụ giải pháp căn cơ để phát triển dài hạn; đảm bảo cân đối vĩ mô một cách bền vững”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm đặt nhiều câu hỏi nhất tại kỳ họp lần này là tiếp cận tín dụng.
Nội tại kinh tế Việt Nam, mọi hoạt động đầu tư đều trông vào tín dụng ngân hàng.
Thống đốc cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới. Ngân hàng Thế giới đã liên tục cảnh báo về tình trạng lệ thuộc vốn tín dụng của Việt Nam. Thời gian gần đây, do kinh tế suy thoái nên tiếp cận tín dụng trở thành vấn đề nóng.
Theo bà Hồng, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết tín dụng linh hoạt dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Đối với cung tín dụng, từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14 % đến gần giữa năm thì đã phân bổ và thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng trên toàn hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước cũng điều hành linh hoạt để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Đối với cầu tín dụng, mặc dù lãi suất trên thế giới tăng cao nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh 4 lần giảm lãi suất điều hành để định hướng các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, hiện nay, nếu tính cả các khoản dư nợ hiện hữu và khoản vay mới thì lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1% so với năm ngoái. So với trước đại dịch Covid-19, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,3%.
Để thúc đẩy cầu tín dụng, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay mới, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; thiết kế gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng cho vay người thu nhập thấp và công nhân mua nhà ở xã hội; gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực thuỷ sản.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khan, vướng mắc về tín dụng tuy nhiên ứng dụng vẫn tăng chậm. Cập nhật đến 27/10/2023, tín dụng tăng 7,1 % so với cuối năm ngoái.
“Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành khác cũng đã tích cực đưa ra các giải pháp nhằm kích cầu để kích thích tăng trưởng tín dụng như là tăng trưởng cường xúc tiến thương mại, khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra, có dự án khả thi thì sẽ tiếp cận được tính dụng”, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đối với thị trường bất động sản, đại diện cho các doanh nghiệp như Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh cũng đã nhận diện khoảng 70 % nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trên thị trường nằm ở pháp lý. Hiện nay, các bộ/ ngành; địa phương cũng đang quyết liệt để thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn này.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam cũng có đặc thù là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 95 % tổng số doanh nghiệp của cả nước.
“Hiện nay, SME khó khăn trong việc cạnh tranh cũng như tình hình tài chính suy giảm cho nên Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần kiến nghị là phải tăng cường giải pháp bảo lãnh vay vốn cho nhóm doanh nghiệp này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề xuất.
Riêng với hoạt động cho vay phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67, Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện nay nợ xấu lên đến 80% khiến cho các ngân hàng thương mại khó khăn khi triển khai Nghị định. Hiện, Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai sửa đổi, bổ sung Nghị định 67, Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực lắng nghe ý kiến các bên để góp ý cho việc sửa Nghị định.
Từ nay đến hết năm 2023, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ điều hành linh hoạt các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng ra soát cắt giảm thủ tục hành chính khi làm hồ sơ vay vốn; rút ngắn quá trình xem xét cấp tín dụng.