Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, 14h00 chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, cho biết trong bối cảnh nhiều khó khăn, tình hình kinh tế xã hội nước ta trong năm 2023 tiếp tục đà phục hồi tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đây là thành tựu không thể phủ nhận, tạo đà phát triển cho đất nước trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu chỉ ra rằng, 5/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt yêu cầu đều ở lĩnh vực kinh tế. Điều này phản ánh tình hình sức khỏe của nền kinh tế nước ta hiện nay đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, các gói chính sách của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.
Chương trình được xây dựng và ban hành trong thời gian ngắn để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, tác động đến tình hình triển khai, nhu cầu, tính khả thi của chương trình. Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ lần đầu được xây dựng và triển khai, chưa có tiền lệ cần thời gian đánh giá cụ thể tác động chính sách trước khi ban hành, nên thời gian ban hành còn chậm…
“Chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm không khả thi, chỉ giải ngân được rất ít”, Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng nêu rõ. Dự kiến đến hết năm 2023 hỗ trợ chỉ đạt khoảng 1.408 tỷ đồng, tương đương 3,5% nguồn lực.
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại.
Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, đề nghị cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững trong tương lai.
Ngoài ra, cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn. Thị trường vốn, thị trường cổ phiếu có dấu hiệu không ổn định.
Trong khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.
“Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, dẫn đến nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm tới. Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, “bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” cho phù hợp, có những chính sách, biện pháp đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi hoàn thành các mục tiêu đặt ra”, Đại biểu Trần Chí Cường đề xuất.
Phát biểu ý kiến về tình hình kinh tế – xã hội tại phiên họp, đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu lên thực tế của tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành, tuy nhiên, áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… tạo thành những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong thời gian tới, đại biểu Dương Văn Phước mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đến những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, có những chính sách kịp thời, thiết thực hơn cho doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp chỉ tiếp cận khoản vay ngắn hạn, còn điều kiện vay trung, dài hạn ngặt nghèo, thủ tục phức tạp.
“Với tình hình khó khăn như hiện nay, các khoản vay, thu doanh nghiệp chậm thu hồi, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển nhưng ngân hàng hầu như không chấp nhận làm tài sản đảm bảo. Đây là rào cản rất lớn để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay”, ông Phước đánh giá.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang phải gồng mình với các khoản thuế, cách tính thuế cũng gây nhiều khó khăn. Chẳng hạn, ở Quảng Nam có doanh nghiệp sân golf doanh thu một năm 100 tỷ nhưng phải đóng thuế tới 45 tỷ đồng, doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều lần.
Do đó, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Chính phủ cần thiết kế gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trước mắt là cần tập trung khơi thông các nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các điều kiện cho vay vốn; tiếp tục đồng hành, chia sẻ những rủi ro đối với doanh nghiệp.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách thuế, lắng nghe, chia sẻ các giải pháp giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề về thuế; nghiên cứu các chính sách thuế phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong điều kiện khó khăn hiện nay, đại biểu lưu ý, cần chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu, xem xét điều kiện từng doanh nghiệp để có chính sách giảm giảm thuế phù hợp.
Cùng mối quan tâm về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho biết tăng cưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao hơn mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, báo cáo chưa nêu rõ số tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực là bao nhiêu.
“Trường hợp tăng trưởng tập trung vào bất động sản trong giai đoạn này sẽ kéo theo gia tăng nợ xấu, khi phần cung bất động sản đang dư thừa, thị trường bất động sản đang trầm lắng, niềm tin vào thị trường bất động sản sụt giảm”, ông Sơn nhìn nhận.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ vấn đề này, từ đó, cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng điều kiện cho vay, có các giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.