Vào tháng 8 năm 2023, đồn cảnh sát Đại Loan thuộc Sở công an quận Thanh Bạch Giang, thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc đã nhận được cảnh báo sớm từ Trung tâm Chống Lừa đảo tại địa phương. Nội dung cảnh báo cho biết, một công ty trong khu vực có thể gặp rủi ro khi thực hiện các giao dịch lớn. Nhận được tin, cảnh sát đã nhanh chóng tìm đến công ty này để cảnh báo và điều tra.
Theo thông tin do bộ phận tài chính của công ty cung cấp cho cảnh sát, nhân viên kế toán đã nhận được tin nhắn WeChat của giám đốc công ty, yêu cầu cô chuyển khoản tiền đặt cọc dự án 1,75 triệu NDT (gần 6 tỷ đồng) vào tài khoản được chỉ định với nội dung “việc gấp, không cần thủ tục rườm rà”.
Sau khi nhận được chỉ đạo, nhân viên này đang chuẩn bị thực hiện giao dịch thì lực lượng cảnh sát ập đến, yêu cầu cô dừng việc chuyển tiền và tiến hành xác minh thông tin với giám đốc công ty. Sau khi kết nối với vị lãnh đạo này, cảnh sát khẳng định đây là một vụ lừa đảo điển hình liên quan đến việc mạo danh cán bộ cấp cao.
Quá trình điều tra sâu hơn, nhân viên kế toán khai với cảnh sát rằng cách đó vài ngày, cô còn nhận được email dạy kiến thức kế toán. Sau khi click vào tài liệu để đọc thì nhận thấy chuột máy tính thỉnh thoảng tự di chuyển.
Ngay sau đó, phía cảnh sát liền kiểm tra hệ thống máy tính của công ty và phát hiện ra dàn máy tính này đã bị virus Trojan xâm nhập. Đây là một loại mã độc có chức năng che giấu và bảo vệ những loại phần mềm độc hại khác để người dùng không phát hiện được.
Những kẻ lừa đảo đã cố tình “gài bẫy” nhân viên này để xâm nhập vào hệ thống dữ liệu thông qua điều khiển từ xa. Sau đó, chúng lập tài khoản giả mạo lãnh đạo của công ty rồi gửi tin nhắn chỉ đạo bộ phận tài chính chuyển tiền nhằm lừa đảo và chiếm đoạt số tiền khổng lồ.
May mắn thay, với sự can thiệp kịp thời từ phía cảnh sát Trung Quốc, công ty này đã tránh được khoản thất thoát lớn. Đồng thời, dưới sự hướng dẫn của cảnh sát, phía công ty cũng đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn hiệu quả các hành động tiếp theo của những kẻ lừa đảo.
Có thể nói, việc kẻ xấu lợi dụng không gian mạng để thực hiện thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là câu chuyện khá phổ biến trong thời đại 4.0 hiện nay. Thủ đoạn của chúng thường lặp đi, lặp lại nhiều lần, với nhiều người. Để phòng tránh, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền và người dân cũng nên nâng cao hiểu biết, tỉnh táo để tránh sập bẫy của những đối tượng trên.
Khi nhận được các thông tin, thông báo từ mạng xã hội, mọi người cần kiểm tra lại thật kỹ, không vội vàng thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của đối tượng. Trong trường hợp có người quen nhắn tin qua mạng xã hội nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để xác nhận nội dung thông tin, tránh bị lừa đảo. Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không cung cấp những thông tin về tài khoản cá nhân cho đối tượng. Khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để xác minh, kịp thời xử lý vụ việc, ngăn chặn hành vi phạm tội.
(Theo New.QQ)