Giấc mơ trở thành một trong 3 nhà sản xuất và phân phối xe tải hàng đầu Việt Nam
Công ty CP ô tô Giải phóng (tiền thân là Công ty cơ điện Hà Giang – Hà Giang EMC) được thành lập vào tháng 10/2001, là chủ đầu tư của nhà máy ô tô Giải Phóng.
Nhà máy ô tô Giải Phóng được xây dựng trên diện tích 50.000 m2 với số vốn ban đầu là 45 tỷ đồng, nằm trên quốc lộ 2, nối liền thủ đô Hà Nội và Cửa khẩu quốc gia Thanh Thuỷ.
Kể từ khi thành lập, Hà Giang EMC và nhà máy ô tô Giải Phóng chủ yếu sản xuất và phân phối các sản phẩm là xe tải nhẹ, xe chuyên dùng và xe du lịch. Trong đó, xe tải nhẹ với giá cả cạnh tranh là sản phẩm mang tính trọng điểm.
Trong quá khứ, nhà máy từng đi đầu trong việc đầu tư trang bị một dây chuyền sơn tĩnh điện đồng bộ tiên tiến của hãng sơn PPG – Hoa Kỳ, hãng chuyên cung cấp sơn cho Ford, Mercedes, Honda, Toyota, GM, Huyndai…
Khi này, nhà máy ô tô Giải Phóng nằm trong số ít các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật sản xuất theo Quyết định 115 của Bộ Công nghiệp về sản xuất và lắp ráp ô tô.
Năm 2008 đánh dấu nhiều bước ngoặt trong sự phát triển của ô tô Giải Phóng. Ngày 03/10/2008 Công ty Cổ phần Cơ điện Hà Giang đổi tên thành CTCP ô tô Giải Phóng (viết tắt GMC) và chính thức hoạt động và giao dịch với tên mới kể từ ngày 01/11/2008.
Nhãn hiệu ô tô Giải Phóng đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại tại Cục Sở hữu trí tuệ và được Hội sở hữu trí tuệ Việt nam bình chọn là nhãn hiệu cạnh tranh năm 2008.
Mặc dù sản lượng xe bán ra của Giải phóng trong năm này chưa lớn (932 xe tải thùng và 179 xe tự đổ) trong khi thị trường xe tải đang nằm trong tay của những thương hiệu như Trường Hải, Vinaxuki, Cứu Long TMT, Suzuki nhưng Giải phóng đã từng bước tạo dựng được thương hiệu và xây dựng được hệ thống phân phối của mình.
Thời điểm trước khi niêm yết, GMC có khoảng 70 điểm bán hàng tại 30 tỉnh thành phố trong cả nước, từ Bắc vào Nam. Trong mục tiêu chiếm lĩnh thị phần, GMC tập trung vào phân đoạn thị trường xe tải nhẹ và xe nông dụng với những tiêu chí là chất lượng sản phẩm – dịch vụ hậu mãi và giá cả hợp lý.
GMC cũng đã từng trình bày mục tiêu trở thành một trong 3 nhà sản xuất và phân phối xe tải hàng đầu Việt Nam trong bản cáo bạch của họ, nhưng cho đến hiện tại, có thể nói “giấc mơ chỉ là giấc mơ”.
Chuỗi thua lỗ 12 năm, âm vốn luỹ kế lớn hơn vốn chủ sở hữu
Ô tô Giải Phóng đã đưa cổ phiếu GGG niêm yết trên HNX vào năm 2009 tuy nhiên bị hủy niêm yết và giao dịch trên UPCoM kể từ cuối năm 2013 do thua lỗ liên tiếp.
Bắt đầu từ năm 2011, GMC rơi vào mạch thua lỗ và đến nay đã ròng rã 12 năm.
Để nói về nguyên nhân, có thể từ năm thua lỗ kỷ lục 2013 rút ra một số lý do chính
– Chưa làm tốt ở mảng kinh doanh chính là ô tô. Trên thực tế, khi gia nhập vào thị trường GMC chưa đủ khả năng cạnh tranh và giành thị phần của các đối thủ. Như cây non gặp bão (khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2011-2012) đã khiến GMC lao đao, thậm chí đã phải tạm dừng sản xuất từ giữa năm 2012.
Tồn kho tăng cao trong khi không bán được hàng, nợ khó đòi từ các đại lý,… khiến công ty gặp khó khăn lớn về vốn lưu động.
– GMC đầu tư sang lĩnh vực BĐS và không gặp thuận lợi về mặt thị trường. Trong năm 2013, Công ty đã buộc phải thoái vốn tại dự án NO2-T2 Khu Ngoại giao đoàn ghi nhận Lỗ.
– Ngoài các yếu tố về thị trường, sản xuất, việc Công ty không thu được đủ số tiền từ đợt phát hành (Thực hiện từ năm 2011) do SHS bảo lãnh đã làm cho Công ty thiếu vốn hoạt động, dẫn tới chi phí tài chính tăng cao.
– Đi cùng với thua lỗ là gánh nặng nợ nần và chi phí tài chính tăng cao.
Vào thời điểm cuối năm 2013, tổng dư nợ các tổ chức tín dụng của Công ty là gần 81 tỷ đồng, giảm trên 29,76 tỷ đồng so với cuối năm 2012. Tất cả các khoản vay tại các Ngân hàng đều giảm, trong đó giảm lớn nhất là khoản vay tại VIB với mức giảm là trên 18 tỷ đồng, khoản vay tại Eximbank với mức giảm trên 8 tỷ đồng.
Tuy đã giảm mạnh nhưng dư nợ vay tại các tổ chức tín dụng đến cuối năm này vẫn ở mức cao, trong đó phần lớn là các khoản nợ đã quá hạn thanh toán và phải chịu lãi suất phạt quá hạn.
Hơn một thập kỷ trôi qua, dù đã xoay xở đủ cách nhưng tình hình kinh doanh và tài chính của GMC vẫn chưa cải thiện.
Đến 31/12/2021, tổng dư nợ gốc các tổ chức tín dụng của GMC là 14,9 tỷ. Các khoản vay tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp (Agribank) đã được bán cho chủ nợ mới. Tổng giá trị khoản nợ của 3 ngân hàng đã chuyển chủ nợ (trong năm 2020 và 2021) là 167,8 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, kiểm toán có nêu: Năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 là năm tài chính thứ mười hai Công ty tiếp tục bị lỗ, số lỗ năm 2022 là 24,1 tỷ đồng và khoản lỗ luỹ kế đến ngày 31/12/2022 là 310,5 tỷ đồng đã vượt quá Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Ngoài ra tại ngày 31/12/2022 nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 29,3 tỷ đồng. Các yếu tố này chỉ ra ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động liên tục của Công ty.
Trong quý III năm nay, GMC thậm chí còn chẳng bán được chiếc xe hay có đồng doanh thu này. Lỗ luỹ kế 9 tháng 2023 ghi nhận hơn 11 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo chưa có ý định ngừng kinh doanh
Mặc dù ngập tràn trong khó khăn như vậy, nhưng Ban lãnh đạo GMC vẫn khẳng định, chưa có bất kỳ dự định nào cho việc dừng hoạt động của Công ty trong nhiều năm tới. BCTC 2022 và bán niên 2023 vẫn được lập trên cơ sở giả định công ty hoạt động liên tục.
Trong năm 2022, ban lãnh đạo đã tìm kiếm sự hỗ trợ của các bên thứ 3, hoàn thành phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ, vốn điều lệ của công ty tăng hơn 197,5 tỷ đồng, từ 96,3 tỷ đồng lên 293,8 tỷ đồng. Số nợ ngắn hạn còn lại, công ty cho biết, không đáng kể và sẽ giảm được áp lực thanh toán các khoản nợ và cân bằng cán cân thanh toán.