Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá rõ hơn nhiều vấn đề.
SỐ TIỀN HỖ TRỢ LÃI SUẤT CHO CÁC KHOẢN VAY DOANH NGHIỆP CHỈ ĐẠT 781 TỶ ĐỒNG/40.000 TỶ
Trong đó, đánh giá rõ tình trạng cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động bình quân 3 năm 2021 – 2023 tăng 4,36 – 4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016 – 2018 ; năng lực tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế.
Chất lượng thu Ngân sách Nhà nước còn yếu tố chưa bền vững, vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, dầu thô; so với dự toán, thu từ dầu thô năm 2021 vượt 21,4 nghìn tỷ đồng, năm 2022 vượt 49,8 nghìn tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất năm 2021 và năm 2022 đều vượt khoảng 74 nghìn tỷ đồng. Thu hút FDI mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn. Giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch.
Hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn cả về pháp lý, vốn, chi phí đầu vào; việc thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó khăn trong tiếp cận tín dụng do khó đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về điều kiện vay vốn.
Kết quả thực hiện một số chính sách Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra. Đến cuối tháng 8/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mới đạt khoảng 781 tỷ đồng, tương đương 1,95% nguồn lực bố trí để thực hiện chính sách (40.000 tỷ đồng); dư nợ giải ngân chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đến hết tháng 8/2023 là 20.347 tỷ đồng, mới đạt gần 53% tổng quy mô chính sách được Quốc hội quyết nghị (38.400 tỷ đồng)…
ĐỀ NGHỊ LÀM RÕ TÌNH TRẠNG CHO VAY DOANH NGHIỆP SÂN SAU, NỘI BỘ
Về kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Ủy ban Kinh tế nhất trí và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; dự kiến hoàn thành 10/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 37%).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hai năm 2021 – 2022 vượt mục tiêu đề ra; khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia so với bình quân các nước ASEAN-4 có bước thu hẹp. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã vượt mục tiêu đề ra .
Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá một số vấn đề sau: Nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai chưa nhiều, chưa mang lại những thay đổi đáng kể, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển; trong đó còn 36,3% số nhiệm vụ chưa hoàn thành việc ban hành văn bản, chương trình, đề án triển khai thực hiện.
Việc cơ cấu lại đầu tư công cũng bộc lộ một số bất cập, tiến độ giải ngân chậm, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, ảnh hưởng đến tính bền vững của kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công đến năm 2025.
Năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng còn hạn chế; tình trạng “sở hữu chéo”, tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” còn phức tạp. Quá trình triển khai xử lý các ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng “mua bắt buộc” gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ .
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm và chưa đạt được kế hoạch đề ra khó hoàn thành được mục tiêu theo Nghị quyết.
Theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 phải cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối. Đảm bảo nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, theo báo cáo số thu năm 2021 là 1.000 tỷ đồng, số thu năm 2022 là 3.848 tỷ đồng; kế hoạch năm 2023 dự kiến số thu được chỉ là 3.000 tỷ đồng; thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn nhà nước; có kế hoạch cụ thể sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn, trong đó ưu tiên vào các công trình, dự án quan trọng quốc gia để tạo động lực cho phát triển và sức lan tỏa cho nền kinh tế.