Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco – mã chứng khoán: SAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý III. Theo đó, doanh thu trong quý đạt 714 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và là con số cao nhất kể từ năm 2019, đánh dấu 8 quý tăng trưởng doanh thu liên tục của Sasco.
Trong cơ cấu nguồn thu của Sasco, riêng doanh thu từ các cửa hàng miễn thuế chiếm 310 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần năm ngoái. Các mảng kinh doanh khác của Sasco cũng đều tăng mạnh, như doanh thu tại trung tâm thương mại tăng 24% lên 64 tỷ đồng, doanh thu hoạt động phòng chờ tăng 62% lên 151 tỷ đồng, doanh thu các hoạt động khác tăng 21% lên 190 tỷ đồng.
Sasco cho biết, doanh thu của công ty tăng do tình hình kinh doanh của công ty trong kỳ vừa qua đã được khôi phục bình thường, sản lượng hành khách đi và đến tại nhà ga quốc nội và quốc tế đều tăng mạnh.
Trừ đi các loại chi phí, Sasco còn lãi 131 tỷ đồng quý III, gấp gần 4 lần cùng kỳ và cũng là quý có lãi cao nhất kể từ quý II/2019.
Lũy kế 9 tháng năm nay, Sasco ghi nhận doanh thu thuần 1.887 tỷ đồng tăng 124% và lãi ròng 241 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Sasco thực hiện được 80% kế hoạch doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Tại thời điểm ngày 30/9, Sasco sở hữu 1.500 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó hơn 50% là tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn. Nợ ngắn hạn ở mức 880 tỷ đồng, phần lớn là phải trả người bán ngắn hạn. Đáng chú ý, công ty không vay nợ ngân hàng.
Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) cũng có lãi ròng gấp 3 lần cùng kỳ trong quý III, nhờ khoản lãi của các công ty liên doanh liên kết. Cụ thể, trong 3 tháng qua, Kido ghi nhận doanh thu 2.300 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các công ty liên doanh liên kết đã chuyển từ lỗ 35 tỷ đồng ở cùng kỳ thành lãi 31 tỷ đồng trong quý III. Điều này giúp Kido lãi ròng 74 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
Theo lý giải từ Kido, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính và tái cấu trúc công ty. Gần nhất, Kido đã sở hữu 68% cổ phần của thương hiệu bánh bao Thọ Phát. Hiện tại, Kido đang có 4 công ty liên doanh liên kết, gồm Thực phẩm Đông lạnh Kido (sở hữu 49% vốn điều lệ), Mỹ phẩm LG Vina (nắm 40% vốn điều lệ), Lavenue (giữ 50% vốn điều lệ) và Chế biến Thực phẩm Dabaco (Dabaco Food – nắm 50% vốn điều lệ).
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Kido ghi nhận doanh thu thuần 6.670 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng lại gấp đôi cùng kỳ, đạt 673 tỷ đồng, chủ yếu nhờ quá trình tái cấu trúc và thoái vốn khỏi các khoản đầu tư.
Ngày 30/9, Kido đang có 6.950 tỷ đồng, trong đó có hơn 2.000 tỷ đồng tiền mặt và 662 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Khoản phải thu ngắn hạn ở mức 3.000 tỷ đồng, hàng tồn kho giảm một nửa so với đầu năm xuống mức 1.120 tỷ đồng.
Trong quý III, Công ty CP Than Núi Béo (Vinacomin – mã chứng khoán: NBC) ghi nhận doanh thu thuần 902 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Lãi ròng đạt gần 33 tỷ đồng, gấp 7,6 lần cùng kỳ và đây là mức lãi cao nhất kể từ quý III/2020.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Than Núi Béo ghi nhận doanh thu thuần 2.708 tỷ đồng và lãi ròng 68 tỷ đồng, tăng tương ứng 11% và 233% so với cùng kỳ. Như vậy, NBC đã thực hiện được 91% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lãi trước thuế khoảng 11%.
Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) đạt doanh thu thuần gần 357 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi ròng của công ty hơn 66 tỷ đồng, gấp 8,4 lần năm trước nhờ vào ghi nhận phần lợi nhuận phân bổ về từ dự án Mizuki.
Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của NLG ghi nhận gần 27.700 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, giá trị hàng tồn kho tăng 13%, lên 16.800 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong đó là bất động sản dở dang của dự án Izumi với hơn 9.000 tỷ đồng.