CTCP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific, mã chứng khoán: PVP) vừa công bố BCTC quý 3/2023 với doanh thu tăng 75% so với cùng kỳ năm trước lên 562 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn với mức 60,5% lên 478,8 tỷ đồng giúp lợi nhuận gộp của công ty gấp 3,5 lần lên 88,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt gần 56 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm lợi nhuận trong quý này của PVTrans Pacific là do cùng kỳ năm trước công ty ghi nhận khoản lợi nhuận khác hơn 205 tỷ đồng đến từ việc thanh lý tàu, trong khi năm nay không còn khoản đó.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, PVTrans Pacific ghi nhận doanh thu 1.227 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 157 tỷ đồng, giảm 24% so với năm ngoái. Như vậy, công ty này đã gần hoàn thành kế hoạch đầu năm đã đề ra là đạt 160 tỷ đồng lợi nhuận.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của PVTrans Pacific 2.717 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.508 tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng là gần 860 tỷ đồng.
Nợ vay tài chính của công ty ở mức 666 tỷ đồng, tăng 86% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu ở mức 1.700 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn 157 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/10, trong khi VN-Index giảm 13 điểm thì cổ phiếu PVP của PVTrans Pacific tăng 3,4%. Thậm chí, thị giá của PVP đã quay trở lại mức đỉnh lịch sửa kể từ khi niêm yết trên HoSE vào đầu năm năm nay.
Cổ phiếu PVP trong giai đoạn gần đây tăng là nhờ việc giá dầu đang tăng trong thời gian gần đây. Theo chứng khoán MB (MBS) trước những thông tin về xung đột Israel và nhóm vũ trang Hamas của Palestine, giá dầu đã tăng lên mức 88,15 USD/thùng vào ngày 10/10 do quan ngại về nguồn cung dầu thô trở nên căng thẳng hơn. Hiện tại giá, giá dầu đã vượt mốc 90 USD/thùng.
“Tuy Israel và Palestine đều không phải là những nước khai thác dầu lớn trên thế giới, vị trí địa lý của cuộc xung đột này lại thuộc khu vực khai thác dầu quan trọng, do đó gián tiếp khiến giá dầu tăng trở lại sau chuỗi giảm vì lo ngại kinh tế ảm đạm. Chúng tôi cho rằng giá dầu sẽ chịu ảnh hưởng một cách trực tiếp hơn khi cuộc xung đột giữa hai bên này mở rộng thành chiến tranh khu vực.” – Báo cáo của CTCK này nhận định.
Cũng theo MBS, ảng vận tải dầu cũng được dự báo hưởng lợi nhờ chênh lệch cung-cầu vận tải dầu thế giới (hải trình và khối lượng tăng với tốc độ nhanh hơn đội tàu và tốc độ di chuyển). PVT cũng đang triển khai mở rộng đội tàu nhanh hơn dự kiến với kế hoạch đầy tham vọng (85 tàu vào năm 2025).
Việc tăng giá dầu thô sẽ giúp giá cước vận tải tái ký của các công ty vận tải dầu khí tại các hợp đồng mới cao hơn dự kiến. MBS cho rằng giá dầu Brent trong quý 4/2023 ở mức trung bình 93 USD/thùng, ảnh hưởng tích cực đến việc tái ký hợp đồng vận tải dầu thô vào tháng 11/2023 sắp tới. Tuy nhiên, giá dầu tăng sẽ khiến chi phí vận chuyển của các công ty trở dầu gia tăng, có thể làm giảm bớt ảnh hưởng tích cực từ giá cước.