Tại hội nghị, ông Minh Đỗ, Giám đốc Quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus, kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ vấn đề huy động vốn cho các ngân hàng Việt Nam để duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cần thiết bằng cách tăng giới hạn sở hữu nước ngoài (room ngoại).
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhắc lại quy định hiện hành cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 30% một tổ chức tín dụng trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, quy mô tài sản các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng-bảo hiểm chiếm khoảng 10% tổng tài sản toàn khối FDI…
“Ngân hàng Nhà nước cũng đang cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong nước, ưu tiên nâng sở hữu cho nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào việc xử lý các ngân hàng yếu kém”, ông Hà nói.
Phó Thống đốc một lần nữa khẳng định vốn FDI rất quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam: “Ngân hàng Nhà nước thấy rằng chiến lược đồng hành và đầu tư bền vững, dài hạn của các doanh nghiệp FDI rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, để đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét cẩn trọng các dòng vốn “nóng” nhằm giữ sự ổn định của thị trường tài chính”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Thanh Hà cam kết Ngân hàng Nhà nước luôn đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế. Điều này có ý nghĩa quan trọng cho môi trường tài chính, kinh tế và tất cả các chủ thể như người dân, doanh nghiệp…bao gồm FDI.
Về lãi suất, ông Hà nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước cố gắng điều hành ổn định, linh hoạt, trong đó góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Năm nay, Ngân hàng Nhà nước là một trong số ít ngân hàng trung ương có thể giảm lãi suất điều hành. Qua đó, lãi suất của thị trường cũng giảm, thể hiện rõ qua mặt bằng lãi suất và thanh khoản ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài trong tiếp cận vốn, tín dụng nếu cần thiết với chi phí thấp hơn”, Phó Thống đốc nói.
Về tỷ giá, Phó thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng điều hành ổn định thị trường ngoại tệ trong lúc thuận lợi cũng như khó khăn; ổn định tỷ giá. Các tổ chức tín dụng luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua và bán ngoại tệ của các chủ thể kinh tế trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng can thiệp thị trường để đảm bảo khi thị trường thừa ngoại tệ thì Ngân hàng Nhà nước can thiệp để mua vào.
Năm 2022, khi thị trường rất khó khăn, Hoa Kỳ thắt chặt tiền tệ, các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền về thì hệ thống ngân hàng luôn đảm bảo cung ngoại tệ cho thị trường. Năm nay, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước vẫn cố gắng điều hành ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và tỷ giá biến động khoảng 3,9% là mức hợp lý so với các nước xung quanh và khu vực.