Đầu cơ giá lên đồng USD đang được coi là giao dịch sôi động nhất trên thị trường tài chính toàn cầu – theo một cuộc khảo sát được ngân hàng Bank of America thực hiện với sự tham gia của các công ty quản lý quỹ. Tuy nhiên, nhà băng Mỹ này cũng cho rằng tỷ giá đông bạc xanh có thể đã gần đỉnh, đặt ra rủi ro đối với các nhà đầu cơ giá lên.
Cuộc khảo sát của Bank of America diễn ra từ ngày 6-11/10, có 67 công ty quản lý quỹ đặt tại Mỹ, Anh, châu Âu và châu Á, nắm số tài sản tổng cộng 997 tỷ USD tham gia. Những câu trả lời nhận được trong cuộc khảo sát này cho thấy một sự dịch chuyển lớn so với những gì ghi nhận trong cuộc khảo sát tháng 8, vì các công ty quản lý quỹ đã trở nên lo lắng nhiều hơn về vấn đề lãi suất từ tháng 9 trở đi – theo nhận định của Bank of America.
Các chiến lược gia cho rằng kết quả khảo sát này là một tín hiệu xấu đối với USD sau khi đồng tiền này trở thành tài sản được giao dịch nhiều nhất thế giới. “Chúng tôi tin là tỷ giá đồng USD đã gần đỉnh rồi. Để đồng tiền này tăng giá cao hơn đòi hỏi sự thay đổi bối cảnh”, báo cáo của Bank of America nhận định.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt mức đóng cửa cao nhất 11 tháng ở ngưỡng 107 điểm vào hôm 3/10 – theo dữ liệu từ FactSet. Hiện chỉ số này đang dao động quanh ngưỡng 106,5 điểm, tăng gần 6,7% trong vòng 3 tháng trở lại đây, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên gần 3%.
Sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ cộng thêm lập trường chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cứng rắn hơn so với các nền kinh tế lớn khác được xem là nguyên nhân chính thúc đồng USD tăng giá – theo kết quả khảo sát. 55% công ty quản lý quỹ đưa ra đánh giá như vậy; trong khi 33% cho rằng đồng USD được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro trước kịch bản kinh tế Mỹ có thể hạ cánh cứng; 12% đề cập đến những lý do khác như giá năng lượng cao, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc…
Trong khi đó, rủi ro lớn nhất có thể gây giảm tỷ giá USD là nền kinh tế Mỹ hạ cánh cứng – tình huống khiến Fed phải nhanh chóng cắt giảm lãi suất, với 45% nhà quản lý quỹ được khảo sát đề cập. Rủi ro thứ hai là các dữ liệu kinh tế Mỹ yếu đi (29%); thứ ba là Trung Quốc triển khai các biện pháp kích cầu mạnh tay và đồng bộ hơn (10%); và một rủi ro khác là giá năng lượng giảm (10%).
Các công ty quản lý quỹ được khảo sát cũng cho rằng khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong năm 2024 vẫn chưa được phản ánh hết vào tỷ giá USD, đặt ra rủi ro mất giá đối với dồng tiền này. Họ cũng cho rằng Fed có thể sẽ là ngân hàng trung ương phải hạ lãi suất nhiều nhất trong số các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
“Điều này sẽ làm suy giảm niềm tin vào USD, đồng nghĩa rằng việc đầu cơ giá lên USD có thể đối mặt rủi ro”, báo cáo của Bank of America nhận định.
Ở thời điểm hiện tại, tỷ giá USD đang được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh chiến tranh ở dải Gaza giữa lực lượng Hamas của Palestine và Israel.
“Xung đột giữa Israel với Hamas vẫn đang tiếp diễn và làm gia tăng bất ổn trên thị trường tài chính. Các tài sản an toàn truyền thống như USD đang được mua nhiều”, trưởng phân tích Jens Peter Sorensen của Danske Bank nhận định.