Giá vàng thế giới tăng bùng nổ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến với các tài sản an toàn. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (14/10) tăng gần 1 triệu đồng/lượng, lên 71 triệu đồng/lượng.
Lúc đóng cửa phiên đêm qua, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 64 USD/oz, tương đương tăng hơn 3,4%, chốt ở mức 1.933,5 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Cả tuần này, giá vàng tăng hơn 5%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất trong 7 tháng.
Giới đầu tư đang dõi theo các diễn biến của cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine ở dải Gaza. Chiến sự bùng lên từ cuối tuần trước sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel đã khiến thị trường tài chính toàn cầu bất an.
Israel ngày thứ Sáu tuyên bố bộ binh và xe tăng của nước này đã tiến hành các cuộc đột kích vào Gaza, đánh dấu tuyên bố đầu tiên của nước này về dịch chuyển từ chiến tranh trên không sang chiến tranh trên bộ. Diễn biến này thúc đẩy nhà đầu tư mua mạnh các tài sản an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ và vàng.
Do giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, lợi suất giảm xuống, hỗ trợ thêm cho giá vàng vì xu hướng tăng của lợi suất trong thời gian gần đây đã gây áp lực giảm lên giá vàng. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 9 điểm cơ bản, còn 4,62%. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm giảm 1 điểm cơ bản, còn 5,05%.
“Nhà đầu tư đang đổ xô mua các tài sản an toàn vì căng thẳng ở Trung Đông gia tăng”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nói với hãng tin Reuters. “Nếu tình hình địa chính trị xấu thêm, có khả năng giá vàng sẽ lên mức 2.000 USD/oz trong năm nay. Giá đã tăng nhanh từ 1.800 USD/oz lên hơn 1.900 USD/oz chỉ trong một thời gian ngắn. Mốc 2.000 USD/oz là trong tầm tay”.
Vàng tăng giá ngay cả khi đồng USD cũng tăng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đóng cửa ở mức gần 106,7 điểm, từ mức 106,6 điểm của phiên trước.
Các báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Mỹ công bố trong tuần này cho thấy lạm phát tiếp tục nhưng giảm chậm và còn cao hơn so với dự báo. Điều này ít nhiều gây áp lực giảm lên giá vàng vì củng cố khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, dù thị trường cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11.
“Dù các báo cáo lạm phát có hơi nóng hơn kỳ vọng, thị trường đang đặt cược chủ yếu vào khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 11. Điều này có lợi cho giá vàng”, bên cạnh cuộc xung đột ở Trung Đông – chuyên gia David Meger của công ty High Ridge Futures phát biểu.
Dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME cho thấy các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 69% Fed giữ nguyên lãi suất trong năm nay.
Lúc hơn 9h sáng nay, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,95 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng hiện tăng 330.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu có giá 56,98 triệu đồng/lượng và 57,98 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 300.000 đồng/lượng và 400.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,7 triệu đồng/lượng và 71 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới hiện tương đương 57,3 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, tăng 1,7 triệu đồng/lượng so với sáng hôm qua và tăng 2,5 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 13,7 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 14,6 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua. Giá vàng nhẫn đang cao hơn thế giới khoảng 700.000 đồng/lượng.
So với cuối tuần trước, giá vàng miếng hiện tăng khoảng 1,4-1,5 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn tăng 700.000 đồng/lượng.
Báo giá USD tại Vietcombank chốt tuần ở mức 24.245 đồng (mua vào) và 24.615 đồng (bán ra), giảm 35 đồng ở mỗi đầu giá so với với sáng thứ Sáu. Tuần này, giá USD tại ngân hàng này tăng 65 đồng.