Cổ phiếu bị thao túng giá từ lúc lên sàn
Căn cứ kết quả giám sát và kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Thơm số tiền 1,5 tỷ đồng do có hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 12/10/2020 đến 6/10/2021, bà Thơm đã sử dụng 9 tài khoản bao gồm 1 tài khoản của mình và 8 tài khoản của 8 nhà đầu tư để liên tục mua, bán cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Bảo Ngọc (BNA) nhằm tạo cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu BNA.
UBCK cho biết qua kiểm tra, kết quả tính toán khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm của bà Nguyễn Thị Thơm cho thấy không có khoản thu trái pháp luật.
Ngoài xử phạt hành chính, để ngăn chặn hành vi vi phạm của bà Thơm, UBCK cấm cá nhân này giao dịch chứng khoán trong 2 năm kể từ ngày 9/10. Bà Thơm cũng bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn 2 năm, kể từ ngày 9/10.
Mã chứng khoán BNA được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vào tháng 10/2020 với giá tham chiếu 20.000 đồng/cp. Như vậy, cổ phiếu BNA bị thao túng giá ngay từ thời điểm lên sàn.
Trong khoảng thời gian bị thao túng từ 12/10/2020 đến 6/10/2021, mã chứng khoán BNA tăng mạnh từ 20.000 đồng/cp lên vùng 68.000 đồng/cp, tức gấp 3,4 lần. Đáng chú ý, thời điểm kết thúc thao túng cũng là thời điểm doanh nghiệp bánh Bảo Ngọc đi đến giai đoạn cuối của phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Cụ thể, trong tháng 10/2021, doanh nghiệp chào bán 8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 20.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với thị giá vùng 60.000 – 70.000 đồng/cp thời điểm đó. Đồng thời, vào thời điểm chốt quyền thực hiện quyền mua cổ phiếu công ty cũng chốt quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 30%. Qua đó vốn điều lệ tăng từ 80 tỷ đồng lên gần 200 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn chào bán là Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt.
Kết quả, 98,6% cổ phiếu đã được cổ đông hiện hữu mua hết và chỉ 1,77% phân phối cho đối tượng khác. Trong danh sách người mua được phân phối lượng cổ phiếu cổ đông không mua hết có tên bà Nguyễn Thị Thơm. Thời điểm kết thúc đợt chào bán là 19/11/2021.
Hiện cổ phiếu BNA được giao dịch vùng 10.000 đồng/cp, giảm hơn 60% từ vùng đỉnh tháng 11/2021 (xét theo giá điều chỉnh).
Vốn tăng gấp nhiều lần
Bánh Bảo Ngọc xuất phát điểm là tiệm bánh ngọt Bảo Ngọc tại phố Trần Bình Trọng, phường Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thành lập từ 1986. Doanh nghiệp được ông Lê Đức Thuấn – Chủ tịch HĐQT mua lại và chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp tư nhân thành Công ty cổ phần Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc hiện nay.
Trước khi niêm yết, ông Thuấn sở hữu 36% vốn, công ty liên quan Công ty cổ phần Á Long nắm 18,81% vốn và Công ty cổ phần đầu tư Homeconstruct nắm 5,88% vốn. Sau đó, các tổ chức trên lần lượt thoái hết vốn và chỉ còn cá nhân Chủ tịch HĐQT duy trì tỷ lệ sở hữu và cũng là cổ đông lớn duy nhất của công ty hiện nay.
Tại thời điểm chào sàn, Bánh Bảo Ngọc có vốn điều lệ chỉ 80 tỷ đồng được duy trì trong nhiều năm. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm, vốn đã tăng lên 250 tỷ đồng và doanh nghiệp đang có kế hoạch nâng lên 512 tỷ đồng.
Theo các phương án đã trình bày tại ĐHCĐ năm nay, công ty sẽ phát hành ESOP, trả cổ tức cổ phiếu để tăng vốn từ 250 tỷ đồng lên 312 tỷ đồng. Sau đó, công ty sẽ chào bán 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty cổ phần quản lý quỹ NTP. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Số tiền huy động dự kiến 276,3 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động bao gồm nhưng không giới hạn việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, hợp đồng ký mới cho các nhà cung cấp, ngân hàng, đối tác khác.
Nếu hoàn thành, tổ chức này sẽ sở hữu 38,55% vốn Bảo Ngọc (vốn sau khi chào bán riêng lẻ, phát hành ESOP và trả cổ tức – 512 tỷ đồng), vượt qua tỷ lệ sở hữu của ông Lê Đức Thuấn (giảm từ 36% xuống 17,6%).
Công ty cổ phần Quản lý Quỹ NTP thành lập 2014, đang quản lý Quỹ đầu tư cổ phiếu triển vọng Tân Việt (TVPF). Tổng giám đốc là ông Nguyễn Trung Hiếu, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Trong đó nổi bật là các vị trí quản lý cấp cao như Giám đốc Khách hàng tổ chức trong nước Vndirect từ 2012; Giám đốc Phân tích Vndirect từ 2015; Giám đốc Đầu tư CTCP Tập đoàn Xuân Cầu từ 2016; Giám đốc Đầu tư dài hạn Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện – PTI từ 2017; Phó Giám đốc PVCB Capital từ 2019.
Mục tiêu doanh thu gấp 4 lần sau 4 năm
Ban lãnh đạo đặt ra những mục tiêu khá tham vọng. Trong chiến lược 2021 – 2025, doanh nghiệp muốn trở thành đơn vị số 1 về thương hiệu, thị phần và doanh số bánh tươi Việt Nam. Doanh thu từ 1.022 tỷ đồng năm 2022 lên 4.313 tỷ đồng vào 2026. Để thực hiện mục tiêu, ngoài nhà máy miền Trung đang xây dựng, doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm địa điểm khác ở miền Bắc và Nam để xây dựng nhà máy mở rộng sản xuất. Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu sự phát triển của thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác, M&A, chọn lọc và sẵn sàng mua lại các công ty và ngành hàng tiềm năng như dược, điều xuất khẩu…
Liên quan đến số tiền 160 tỷ đồng huy động được từ đợt tăng vốn, doanh nghiệp sử dụng để thuê đất đầu tư xây dựng nhà máy Bảo Ngọc Miền Trung, mua sắm máy móc thiết bị, bổ sung vốn lưu động. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 160 tỷ đồng, quy mô 12.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy sẽ chính thức hoạt động từ quý IV/2022. Tuy nhiên, cập nhật của ban lãnh đạo tại kỳ họp ĐHCĐ diễn ra tháng 6 thì dự án mới hoàn thiện phần móng và xây thô, kỳ vọng đến quý III có thể được thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, xây hoàn thiện và đến quý IV năm nay lắp đặt máy móc, trang thiết bị.
Ngoài nhà máy miền Trung đang xây, doanh nghiệp có 2 nhà máy khác đã đi vào hoạt động gồm nhà máy sản xuất miền Bắc (Hà Nội) và nhà máy sản xuất miền Nam (TP.HCM) với cùng diện tích 6.000 m2, công suất 100.000 tấn sản phẩm/năm.
Về kết quả kinh doanh, sau năm 2021 đột biến thì đi ngang vào 2022 và kế hoạch 2023 cũng không tăng trưởng. Nửa đầu năm nay, doanh thu giảm 13% xuống 467 tỷ đồng; lãi ròng giảm 77% xuống 8 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm và chi phí lãi vay tăng cao đã làm giảm lợi nhuận.
Doanh nghiệp cho biết ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát kéo dài, thị trường tiêu thụ ngành thực phẩm giảm mạnh. Ngược lại, chi phí giá vốn tăng do nguyên vật liệu tăng. Ngoài ra, công ty đẩy mạnh nghiên cứu các sản phẩm mới, dẫn đến hàng hỏng, hàng lỗi nhiều, đẩy giá vốn tăng. Cuối cùng, lãi suất cao đẩy chi phí vốn tăng.