Giá khí đốt tự nhiên châu Âu đang có đà tăng mạnh trong vòng 4 tháng qua lên 47,3 EUR mỗi megawatt giờ (MWh), tức gấp đôi từ đáy (1/6/2023).
Nhu cầu thấp do thời tiết ấm áp hơn và khối lượng dự trữ dồi dào nhưng châu Âu đang gặp những bất lợi về nguồn cung khí đốt trong thời gian tới. Chứng khoán Maybank cho biết Chevron, nhà điều hành mỏ khí đốt Tammar ngoài khơi miền Nam Israel, đã ngưng hoạt động khai thác mỏ theo chỉ thị của Bộ Năng lượng Israel do những xung đột trong khu vực ngày gia tăng.
Mỏ khí đốt Tamar có 6 giếng khai thác khối lượng khí đốt tự nhiên từ 7,1 – 8,3 triệu m3 mỗi ngày, cung cấp 70% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Israel để sản xuất điện. Sau khi đóng cửa mỏ, Israel sẽ phải tìm các nguồn thay thế để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình.
Cùng với đó, Phần Lan và Estonia hôm 8/10 đã quan sát thấy áp suất giảm bất thường trong đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi Balticconnector giữa các quốc gia do rò rỉ. Điều này dẫn đến việc ngưng dòng khí và công việc sửa chữa có thể mất vài tháng.
Thêm vào đó, có thông tin cho rằng các công nhân tại cơ sở khí đột tự nhiên hóa lỏng của Tập đoàn Chevron ở Úc đang lên kế hoạch tiếp tục đình công.
Chứng khoán Maybank đánh giá dù giá khí đốt không tăng mạnh như năm 2022, nhưng việc tăng mạnh thời gian qua cũng có thể làm đội chi phí sản xuất của các nhà máy ở EU. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp cho giá urê thế giới giữ được mức cao so với đáy tháng 6/2023. Mặc dù các quốc gia dường như đã có sự chuẩn bị để tránh gặp lại việc tăng giá phân bón như năm 2022 (ví dụ Brazil – thị trường tiêu thụ lớn đã có sự dự trữ lớn), bất cứ các thông tin bất lợi hơn về nguồn cung vẫn có thể tiếp tục tăng giá phân bón toàn cầu.
Trong trường hợp xấu nhất khi cuộc chiến Isarel và Hamas trở nên nghiêm trọng hơn, kéo thêm nhiều quốc gia trong khu vực thì có thể gây ra việc gián đoạn logistics hoặc hoạt động sản xuất các sản phẩm phân bón, trong đó có urê và khu vực này chiếm hơn 20% sản xuất thế giới.
Sau đợt tăng nóng trong năm 2022, giá urê thế giới đã có chuỗi giảm mạnh từ đỉnh 1.050 USD/tấn tháng 4/2022 về 293 USD/tấn vào tháng 6/2023. Sau đó, giá loại phân bón này có sự phục hồi đáng kể lên 421 USD/tấn ngày 11/10, tăng 44%.
Giá urê tăng không chỉ do khí giá khí đốt tăng mà còn do Trung Quốc gần đây đã tạm dừng xuất khẩu sản phẩm này trong bối cảnh nhu cầu Ấn Độ tăng cao. Theo SSI Research, Ấn độ đang mở rộng diện tích trồng lúa để giải quyết tình trạng thiếu gạo khi điều kiện thời tiết không thuận lợi. Quốc gia này chiếm 17% tổng lượng urê xuất khẩu của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm. Do vậy, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu sẽ hỗ trợ giá phục hồi đối với các doanh nghiệp sản xuất urê toàn cầu ngoài Trung Quốc.
Ngoài ra, tính chất mùa cao điểm vào nửa cuối năm và giá nông sản hàng hóa tăng lên cũng làm gia tăng nhu cầu phân bón và đẩy giá urê.
Diễn biến trên giúp doanh nghiệp sản xuất urê như Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM) và Đạm Cà Mau (HoSE: DCM) hưởng lợi. Trong năm 2021 và 2022, khi giá khí đốt tăng cao kéo theo giá urê lên đỉnh, cả Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đều khi nhận kết quả kinh doanh vượt bậc, một phần là nhờ đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng lợi nhuận làm ra trong 2 năm bằng 8 năm trước đó cộng lại. Sang đến nửa đầu 2023, lợi nhuận giảm đến 80 – 90% so với cùng kỳ năm trước.
SSI Research cho rằng giá urê phục hồi sẽ giúp 2 doanh nghiệp đạm đạt kết quả kinh doanh nửa cuối năm tăng cao hơn so với nửa đầu năm nhưng có thể vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sẽ tăng trưởng trở lại từ 2024 khi so với nền thấp 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ và giá bán bình quân cùng phục hồi.
Chứng khoán Maybank cũng đánh giá cả Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ đều có triển vọng tích cực về giá bán và sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới. Điển hình trong tháng 8, lượng xuất khẩu của Đạm Cà Mau đã tăng mạnh lên 74,000 tấn, điều này được kỳ vọng sẽ kéo dài đến những tháng cuối năm 2023.
Những thông tin tích cực trên đã giúp 2 cổ phiếu DPM và DCM có diễn biến tốt hơn so với VN-Index. Trong khi VN-Index mất 6,22% thì DCM tăng gần 14% và DPM đi ngang trong 2 tháng qua.