“27 tuổi có 3 tỷ đồng trong tay thì có thể nghỉ hưu sớm được không? Tôi đã có nhà riêng rồi”,
câu hỏi của một thành viên trên diễn đàn về tài chính đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Nghỉ hưu sớm cũng là chủ đề, là mục tiêu được người trẻ quan tâm trong những năm qua. Tuy nhiên, trào lưu này phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều, người cho rằng đó là lối sống giúp người trẻ có động lực cố gắng, người lại nhận định là sự lười biếng.
Cần bao nhiêu tiền để nghỉ hưu?
Tại chương trình “Cơ hội cho ai”, nghỉ hưu sớm cũng là đề bài được đưa ra để các ứng viên phản biện. Một ứng viên khẳng định không nên xác định bao nhiêu tuổi sẽ nghỉ hưu, mà quan trọng là kiếm được bao nhiêu tiền để nghỉ hưu. Số tiền đó sẽ đảm bảo cho cuộc sống của chúng ta khi nghỉ hưu, không còn làm việc nữa.
Tuy nhiên, sếp Hoàng Nam Tiến – người dành hơn 30 năm làm việc tại Tập đoàn FPT tính nhanh cho ứng viên: ”
Nếu em tiêu một cách vô cùng hạn chế, gần như không đi du lịch, mỗi tháng em tiêu 15 triệu đồng. Một năm em tiêu 180 triệu đồng. Với lãi suất hiện nay, thì lúc nào em cũng nên có từ 4 đến 5 tỷ gửi ngân hàng. Tất nhiên, đó là mức chi tiêu rất tằn tiện, đảm bảo em không bao giờ ốm đau, không có họ hàng, không có bố mẹ, không đi đám cưới, không có sinh nhật bạn bè, thì em mới tiêu được mức tiền đấy”
.
Ông Tiến cũng nói thẳng: ”
Tình huống này chỉ dành cho những người đặc biệt tài năng, hoặc những người sinh ra ngậm thìa vàng, xuất phát từ vạch đích, họ chạy lùi mới gặp được em
”.
Người trẻ đang lười biếng?
Trong một cuộc trò chuyện, người phỏng vấn từng đặt câu hỏi cho
Shark Bình
về trào lưu nghỉ sớm ở giới trẻ: ”
Liệu người trẻ có đang quá lười, trong khi những doanh nhân thành đạt, sở hữu khối tài sản khổng lồ
như Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Nguyễn Thị Phương Thảo,… vẫn miệt mài làm việc khi tóc đã phai màu?”.
Lý giải về hiện tượng này, ông chủ hệ sinh thái khởi nghiệp NextTech cho rằng có một vài động cơ, khiến các doanh nhân dù thành đạt nhưng vẫn tiếp tục làm việc.
”
Động cơ mang tính cốt lõi là nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi mình bị lãng quên, tụt hậu, bị tiêu diệt. Giống như con linh dương sáng dậy biết mình phải chạy rất nhanh, không thì sẽ bị ăn thịt.
Động cơ thứ hai đó là thói quen. Như tôi quen với việc startup 20 năm nay rồi, bây giờ ngừng lại tôi chẳng biết làm gì. Mà không làm nữa thì người yếu đi, cơ thể mụ mị, mất sức khoẻ. Lúc đó họ làm việc chính là họ đang được sống, được vui.
Động cơ thứ ba, không nằm ở tiền mà là để lại di sản cho xã hội, con cháu. Còn làm được đến lúc nào mà họ chấp nhận rằng mình bị lạc hậu rồi, lùi lại để con cháu, người khác lên thay. Mà lúc đó sẽ rất buồn vì rảnh quá, nhiều thời gian quá”.
Trong khi đó,
Shark Việt
– ông chủ Intracom cùng từng cho biết đến 60 tuổi sẽ ngừng công việc điều hành doanh nghiệp nhưng không nghỉ hưu.
“Nếu nghỉ hưu tôi thì không có việc gì mà làm. Mà không có việc gì làm thì rất dễ hư, tôi thì không muốn hư”,
Shark Việt khẳng định.
Nói về tinh thần làm việc,
Shark Linh
từng đưa ra quan điểm cho rằng các bạn trẻ không nên đi về trước 7 giờ tối vì khung giờ này vẫn còn quá sớm. “Điều quan trọng là các bạn đi làm từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều về, nhưng thời gian sau đó các bạn sẽ làm thêm gì hay không”, nữ doanh nhân nói.
Trong một lần giao lưu với sinh viên Hà Nội, Shark Linh nhận định các bạn trẻ ở tuổi 20 nên tập trung phát triển công việc thay vì nghĩ làm cách nào để cân bằng cuộc sống. Shark Linh cho rằng, người trẻ được phép nói “tôi không biết” và nhận sự hỗ trợ từ những người có nhiều kinh nghiệm hơn, tuy nhiên đến năm 30 hoặc 40 tuổi, họ sẽ khó có thể mở lời “tôi không biết” thêm nhiều lần khác.
“Ở độ tuổi 20, bạn có cơ hội để học hỏi càng nhiều càng tốt và khi đó, bạn không nên suốt ngày suy nghĩ sẽ đi chơi hoặc có cuộc đời như thế nào”.