Chiều ngày 4/10, Tổng cục Hải quan vừa ra thông báo về tình hình công tác tháng 9/2023.
Cụ thể, trong tháng 9, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước ước tính là 60,52 tỷ USD, giảm 2,5%, tương ứng giảm 1,56 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1%, tương ứng giảm 1,36 tỷ USD và nhập khẩu ước 29,12 tỷ USD, giảm 0,7%, tương ứng giảm 205 triệu USD.
Như vậy, sau 4 tháng tăng trưởng liên tiếp, sang đến tháng 9, xuất khẩu bất ngờ giảm 4,1% so với tháng liền kề.
Lũy kế trong 9 tháng năm 2023, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước ước tính là 497,66 tỷ USD, giảm 11%, tương ứng giảm 61,41 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% (tương ứng giảm 23,32 tỷ USD); còn nhập khẩu ước 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% (tương ứng giảm 38,09 tỷ USD). Tuy nhiên, do tốc độ giảm của xuất khẩu thấp hơn nhập khẩu nên sau 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại vẫn nghiêng về xuất siêu 21,68 tỷ USD.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong quý 3/2023 đạt 83.695 tỷ đồng, giảm 9,7% so với quý 2/2023 và giảm 18,4% so với quý 3/2022.
“Lũy kế từ ngày 01/01- 30/9/2023, số thu ngân sách nhà nước đạt 268.690 tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán được giao, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm trước”.
(Tổng cục Hải quan).
Trong suốt 9 tháng ròng, do hoạt động xuất nhập khẩu giảm sút mạnh so với cùng kỳ, khiến số thu ngân sách ngành hải quan cũng tụt dốc tương ứng.
Từ nay đến cuối năm 2023 chỉ còn 3 tháng, ngành hải quan sẽ tập trung nguồn lực để thu nợ, tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu… để đạt dự toán được giao năm 2023 là 355 nghìn tỷ đồng.
Thông tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhưng đánh giá chung trong quý 3/2023, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp.
Các đối tượng tập trung vào một số hành vi như: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng nhằm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, ma túy, động vật hoang dã, tiền tệ qua biên giới; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Các địa bàn phát sinh các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa có số vụ việc, trị giá tang vật lớn như Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quản Trị, Quảng Bình, An Giang….
Đáng chú ý, hoạt động vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới tập trung chủ yếu qua tuyến đường hàng không, đường bộ ở các tỉnh phía Nam, quá trình kiểm soát hành lý của hành khách xuất nhập cảnh, cơ quan hải quan thường xuyên phát hiện việc hành khách xuất, nhập cảnh mang tiền, ngoại tệ vượt định mức nhưng không khai báo hải quan.
Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới diễn ra hết sức phức tạp.
Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển với thủ đoạn ngày càng tinh vi như: cất giấu, ngụy trang ma tuý thành hàng hóa, hành lý thông thường; mang theo người. Đối với tuyến đường bộ tập trung chủ yếu tại các các cửa khẩu biên giới giáp với Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Cùng với đó, tình hình tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng trên tuyến hàng không, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ, có sự chuyển dịch từ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra Sân bay quốc tế Nội Bài, sau đó, vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt vào phía Nam với các loại ma túy tổng hợp, các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa thường ngụy trang trong các gói kẹo, thực phẩm chức năng, thức ăn chó mèo, mỹ phẩm… Trong đó, xuất hiện hiện tượng mới các chất ma túy từ các nước quá cảnh đi Lào.
Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các cục hải quan tỉnh thành phố, hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Theo đó, các đơn vị cảnh báo đối tượng, tuyến đường, thủ đoạn cất giấu chất ma tuý; cảnh báo thủ đoạn vận chuyển hàng hoá vi phạm pháp luật qua tuyến hàng không. Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát ma túy, chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tăng cường sử dụng máy phát hiện ma túy; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam…
Triển khai trong toàn ngành các hoạt động hưởng ứng ngày “Người dân phòng, chống mua bán người – 30/7”. Lãnh đạo Hải quan Việt Nam cũng làm việc với Giám đốc Văn phòng Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế (INL) nhằm tăng cường hợp tác hơn nữa để thúc đẩy các hoạt động phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế…
Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Bộ Tài chính trong công tác phòng, chống rửa tiền; chống tài trợ, phòng chống khủng bố, Tổng cục Hải quan còn thực hiện các nhiệm vụ của Tổ giúp việc Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền quốc gia, Nhóm đánh giá rủi ro quốc gia về phòng, chống rửa tiền trong việc tổng hợp số liệu, báo cáo, tham gia ý kiến, đánh giá rủi ro của ngành hải quan liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ, phòng, chống khủng bố.
Luỹ kế 9 tháng năm 2023, từ ngày 16/12/2022 – 15/9/2023, toàn ngành hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý 12.903 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.025 tỷ đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 26 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 85 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 384,7 tỷ đồng.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan