Công bố các dự án tỷ USD
Ngày 25/9 vừa qua, Tập đoàn Tín Thành (Tín Thành Group) công bố cùng với Tổ chức sắp xếp và quản lý vốn Acuity Funding tổ chức lễ ký chấp thuận tài trợ vốn. Theo đó, Acuity Funding xác nhận đồng ý cung cấp cho Tín Thành Group số vốn lên tới 6,4 tỷ USD (tương đương 156.000 tỷ đồng).
Cụ thể, khoảng 1 tỷ USD được dùng để phát triển 4 nhà máy điện sinh khối và hàng nghìn ha trồng cao lương tại miền Trung và miền Nam Việt Nam. Khoảng 1,7 tỷ USD để xây dựng nhà máy đắp lốp và dịch vụ xe tải tại bang Nam Carolina (Mỹ) nhằm phục vụ hơn 1 triệu xe tải ở Mỹ với mục tiêu giảm lượng khí thải, tiết kiệm chi phí và chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh. Với dự án này, Tín Thành Group cho biết đã được cấp đất và nhận được sự ủng hộ từ bang Nam Carolina với những ưu đãi rất lớn lên đến 500 triệu USD.
Phần còn lại khoảng 3,7 tỷ USD tài trợ để xây dựng cơ sở sản xuất Hydrogen xanh ở Nam Carolina. Theo thông tin được công bố, án này hợp tác với Air Products – một tập đoàn trị giá 67 tỷ USD trên NYSE. Sản phẩm đầu ra dự kiến sẽ mang lại một thay đổi lớn cho ngành công nghiệp ôtô và đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than đã lỗi thời gây ô nhiễm. Tín Thành Group đã nhận được chấp thuận cấp đất và ưu đãi đầu tư từ bang Nam Carolina.
Ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch HĐQT Tín Thành Group, phát biểu tại lễ ký kết cho biết, các dự án trên của doanh nghiệp đã được cơ quan quản lý Việt Nam và Mỹ phê duyệt, ủng hộ cùng nhiều bằng phát minh sáng chế đã được đăng ký và nhấn mạnh rằng “mô hình và công nghệ của các dự án mang tính thiết thực cao để có thể áp dụng trên quy mô toàn cầu”.
Dư luận cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, các dự án và ý tưởng của ông chủ Tín Thành Group đều đi theo xu hướng thời đại. Tuy nhiên, đây đều là các dự án có quy mô đầu tư lớn, tính bằng tỷ USD nên năng lực của tập đoàn này ra sao, có đủ sức thực hiện các dự án trên hay không là dấu hỏi lớn.
Tiềm lực Tín Thành Group đến đâu?
Theo dữ liệu Nhadautu.vn, Công ty cổ phần Tập đoàn Tín Thành được thành lập từ 3/9/2009, địa chỉ trụ sở chính tại 71 Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 432 tỷ đồng, con số khá khiêm tốn so với quy mô tổng đầu tư hàng tỷ USD của các dự án trên.
Ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch HĐQT là cổ đông sáng lập với tỷ lệ 42,8% vốn. 2 cổ đông sáng lập khác là bà Nguyễn Thanh Hiền và bà Nguyễn Thị Bích Hoài. Ông Quyền sinh năm 1960, trình độ chuyên môn Kỹ sư xây dựng, hiện là Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (HoSE: DRC) – doanh nghiệp săm lốp hàng đầu Việt Nam.
Tín Thành Group tạo sự chú ý khi công bố các dự án năng lượng sạch tỷ USD nhưng giấu kín thông tin tài chính. Doanh nghiệp này chưa trở thành công ty đại chúng và chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán nên không thuộc diện phải công bố thông tin.
Vào năm 2020, tập đoàn có kế hoạch huy động 100 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư dự án điện hơi cùng Cao su Đà Nẵng mới tiết lộ vài thông tin. Cụ thể, năm 2018, doanh nghiệp lỗ 7,8 tỷ đồng, năm 2019 có lãi nhẹ 92 triệu đồng. Lỗ lũy kế tính đến 2019 ở mức 20 tỷ đồng. Năm 2020, nhờ cơ cấu lại tổ chức hoạt động cung cấp hơi công nghiệp và nguyên liệu sinh khối cho các nhà máy điện cũng như cải thiện hiệu quả kiểm soát chi phí nên lợi nhuận đạt 15 tỷ đồng, tăng cao so với giai đoạn 2018 – 2019.
Doanh nghiệp từng có kế hoạch IPO và đưa cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM vào 2020. Song, tập đoàn đã tạm dừng kế hoạch để tập trung phát triển dự án năng lượng tái tạo, xử lý rác thải và công nông nghiệp khép kín.
Băn khoăn sau những tin tức gây sốc
Đây không phải lần đầu tiên ông chủ Tín Thành Group tiết lộ những thông tin gây sốc như vậy. Cần nhớ rằng, trước đó, vào năm 2017, khi Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) tiến hành IPO, tập đoàn đã đến thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư.
Thời điểm đó, đại diện BSR cho biết, Tín Thành Group có ý định mua đến 5% vốn BSR (khoảng 2.000 tỷ đồng). Trong vòng 12 tháng sau IPO, tập đoàn đề xuất BSR trình Thủ tướng Chính phủ phương án trở thành cổ đông chiến lược và được mua đến 55% cổ phần.
Thời điểm IPO, Lọc hóa dầu Bình Sơn được định giá tới 3,2 tỷ USD, nếu muốn sở hữu 55% vốn, Tín Thành Group phải chi ra gần 1,8 tỷ USD (tương đương 40.000 tỷ đồng). Đây là con số khủng mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được. Điều đáng nói là vốn điều lệ lusc này của Tín Thành Group chỉ có 200 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2017, Tín Thành tiếp tục đưa ra tin tức sốc khi cho biết đã thực hiện việc mua lại Ngân hàng Oakwood State Bank tại bang Texas (Mỹ) – một trong những ngân hàng lâu đời nhất nước Mỹ với bề dày lịch sử 116 năm và cho đổi tên thành Tín Thành Oakwood Bank Corp.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý của Oakwood State Bank đã đưa ra cảnh báo thông tin sai sự thật. Đồng thời, sau đó, Sở Thương mại bang Minnesota đã ban hành lệnh phạt 35.000 USD đối với doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tín Thành với lý do đã vi phạm quy định về việc sử dụng từ “bank” một cách trái phép trong tên doanh nghiệp.
Với những thông tin gây sốc trên, trả lời báo chí, ông Quyền lý giải việc đặt vấn đề với BSR là Tín Thành đứng với vai trò trung gian cho các nhà đầu tư tại Mỹ. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán có nhiều vướng mắc về vấn đề pháp lý của Việt Nam nên nhà đầu tư Mỹ không vào được và việc đưa thông tin mua một ngân hàng Mỹ là do sơ suất. Đồng thời, ông Quyền cũng cho biết chuẩn bị mua 95% ngân hàng này nhưng sau đó từ bỏ vì thấy không ổn.