Tỷ giá đồng Yên Nhật Bản dao động dưới 150 yên đổi 1 USD vào đầu giờ sáng phiên giao dịch ngày thứ Tư (4/10), sau khi chớp nhoáng xuyên thủng mốc này vào chiều ngày thứ Ba. Những diễn biến này khiến thị trường tài chính đang đặt ra câu hỏi liệu có phải nhà chức trách Nhật đã có động thái can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.
Vào đầu phiên sáng tại thị trường châu Á, đồng yên giao dịch ở mức hơn 149,1 Yên đổi 1 USD.
Chiều qua theo giờ Việt Nam, đồng Yên có lúc rớt xuống mức 150,165 yên/USD, mức thấp nhất của đồng tiền Nhật Bản kể từ tháng 10/2022. Chỉ vài phút sau đó, đồng Yên tăng mạnh trở lại, có lúc tăng 2% đạt 147,3 yên đổi 1 USD.
Các nhà giao dịch tiền tệ đang rộ lên đồn đoán rằng Bộ Tài chính Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương nước này (BOJ) đã can thiệp bằng cách bán USD từ dự trữ ngoại hối để mua Yên nhằm ngăn tỷ giá đồng nội tệ rớt sâu hơn – tương tự như họ đã hành động vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái.
“Việc can thiệp vào thị trường ngoại hối ở thời điểm này là hoàn toàn nhất quán với những cảnh báo gần đây của các quan chức Nhật Bản, cũng như động thái can thiệp mà họ đã có trước đây”, chiến lược gia trưởng James Malcolm của ngân hàng UBS nhận định với hãng tin Reuters.
“Nhà chức trách có lẽ không thể đảo ngược xu hướng trên thị trường ngoại hối một cách ngay lập tức. Nhưng việc họ có động thái can thiệp ở quy mô nhất định vào thị trường sẽ mang đến một tín hiệu mạnh mẽ và giúp ‘câu giờ’ cho những yếu tố khác để dẫn tới việc nhà đầu cơ phải rút khỏi các trạng thái bán khống Yên”, ông Malcolm nhận định.
Phát biểu sáng nay, nhà ngoại giao tiền tệ cấp cao nhất của Nhật Bản, ông Masato Kanda, từ chối trả lời câu hỏi của giới truyền thông về việc có phải nhà chức trách đã can thiệp thị trường ngoại hối vào ngày hôm qua hay không. Tuy nhiên, ông nói “chúng tôi sẽ chỉ có những hành động nhận được sự thấu hiểu của phía Mỹ”. Tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói liệu nước này có thông cảm với việc Tokyo một lần nữa can thiệp bảo vệ tỷ giá đồng Yên hay không sẽ “tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể”.
Trên thị trường tiền tệ toàn cầu, không chỉ đồng Yên đang đương đầu với áp lực giảm với xu hướng tăng mạnh mẽ của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt mức 107,34 điểm trong phiên ngày thứ Ba, cao nhất 11 tháng.
Mức đỉnh này được thiết lập sau một báo cáo về thị trường việc làm của Mỹ. Dữ liệu về số lượng việc làm cần tuyển dụng trong nền kinh tế Mỹ tháng 8 cho thấy có 9,6 triệu vị trí cần tuyển – một số lượng công việc lớn hơn dự báo và là tín hiệu về một thị trường lao động tiếp tục thắt chặt. Trước khi báo cáo được công bố, các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo con số 8,8 triệu công việc cần tuyển.
Thị trường lao động còn vững sẽ là một cơ sở quan trọng để Fed duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, qua đó duy trì chênh lệch lãi suất với các nền kinh tế khác, nhất là với Nhật Bản – nơi BOJ còn trung thành với chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Chênh lệch lãi suất là một nguyên nhân chính khiến USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác, trong đó có yên Nhật.
“Thị trường tài chính đang bất an vì một số liệu tích cực nữa về kinh tế Mỹ, căn cứ để Fed duy trì quan điểm lãi suất cao hơn lâu hơn”, chiến lược gia cấp cao Rodrigo Catril của National Australia Bank nhận định về báo cáo việc làm trên của Mỹ.
Trở lại với câu hỏi liệu nhà chức trách Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ vào ngày 3/10, một số chuyên gia cho rằng căn cứ vào mức độ hồi phục của tỷ giá đồng yên, có thể cho rằng nếu đã có can thiệp, thì quy mô của động thái can thiệp không phải là lớn.
“Khi Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái, quy mô can thiệp phải lớn gấp 3 lần, vì tỷ giá đồng yên đã phục hồi rất mạnh. Diễn biến ngày hôm nay chỉ bằng một phần nhỏ so với những gì đã xảy ra trong các đợt can thiệp trước”, chiến lược gia trưởng Alan Ruskin của ngân hàng Deutstche Bank nói với tờ Financial Times.
Gần đây, nhiều chiến lược gia tiền tệ nhận định rằng Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ tránh việc can thiệp vào thị trường tiền tệ nếu có thể, vì việc can thiệp là một vấn đề chính trị nhạy cảm, chưa kể đà tăng mạnh của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD khiến cho việc can thiệp ngày càng trở nên tốn kém hơn.
Theo chiến lược gia trưởng Jane Foley của Rabobank, có vẻ như mối lo của thị trường về khả năng nhà chức trách sẽ ra tay can thiệp đã giúp hãm bớt tốc độ mất giá của đồng yên, từ đó giúp giải toả bớt áp lực đối với Bộ Tài chính Nhật. “Vì thế, khi có sự can thiệp, thị trường gần như biết ngay”, bà nói.