Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) được đánh giá là công cụ để kìm giá xăng dầu không tăng sốc, góp phần bình ổn thị trường trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động tăng mạnh. Tuy nhiên, việc quản lý quỹ này đang bộc lộ nhiều bất cập khi quỹ được trích từ tiền của người mua xăng dầu nhưng lại đặt quỹ ở doanh nghiệp (DN).
Chiếm dụng quỹ
Vụ việc 2 lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt là Công ty Xuyên Việt Oil) bị bắt vừa qua liên quan vi phạm về sử dụng và không nộp hàng trăm tỉ đồng Quỹ BOG cho thấy nhiều bất cập trong quản lý số dư hơn 7.400 tỉ đồng Quỹ BGO đang được đặt tại DN. Cả 2 lãnh đạo của công ty này bị điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. DN này bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu từ ngày 11-8 nhưng vẫn chưa nộp lại hàng trăm tỉ đồng Quỹ BOG vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện có nhiều DN đầu mối xăng dầu không thực hiện kết chuyển Quỹ BOG theo quy định. Cụ thể, đến ngày 15-9, Công ty CP Dầu khí Đông Phương và Công ty TNHH Trung Linh Phát vi phạm cả về việc kết chuyển không đúng quy định Quỹ BOG và không có phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng quỹ; Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam S.W.P… vi phạm về việc kết chuyển không đúng quy định Quỹ BOG; Appollo Oil không có phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng quỹ…
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 2-10, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH, cho biết lo ngại về tình trạng DN chiếm dụng Quỹ BOG đã được ông nêu trước diễn đàn QH khi thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Theo ông Hòa, đến nay tình trạng đó đã xảy ra khi DN đầu mối xăng dầu “ôm” hàng trăm tỉ đồng tiền quỹ. ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng Quỹ BOG là quỹ ngoài ngân sách, được hình thành từ tiền trích trên mỗi lít xăng dầu người dân mua.
Ông Hòa nhấn mạnh quỹ trích từ tiền của người dân mua xăng nhưng lại giao cho DN giữ là không hợp lý, dù việc điều tiết sử dụng do Liên Bộ Công Thương – Tài chính. “Bộ Tài chính cần giữ, quản lý Quỹ BOG. Bởi số tiền của quỹ có thể bị các thương nhân đầu mối chiếm dụng để sử dụng vào mục đích của mình. Như vậy, sẽ không công khai, minh bạch, gây thiệt hại cho người dân khi bản chất đó là tiền ứng trước từ người dân mua xăng” – ĐBQH Phạm Văn Hòa kiến nghị.
Những bất cập trong việc quản lý, sử dụng Quỹ BOG từng được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vạch rõ và đưa ra các cảnh báo khi thực hiện kiểm toán giai đoạn 2015-2016. Cụ thể, không ít DN đầu mối chưa công bố về số trích lập, số sử dụng và số dư quỹ hằng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá; chưa cung cấp hồ sơ tài liệu chứng minh việc đã báo cáo Bộ Công Thương về tình hình số dư, số trích, số sử dụng, lãi phát sinh quỹ ngày 25 hằng tháng, tổng hợp báo cáo khi kết thúc năm tài chính gửi liên Bộ Tài chính – Công Thương theo quy định. KTNN cũng đã nêu tình trạng chưa chuyển tiền trích Quỹ BOG vào tài khoản riêng tại ngân hàng.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhấn mạnh quy định pháp luật hiện hành đã nêu rất rõ về việc quản lý, sử dụng Quỹ BOG cũng như trách nhiệm của các DN đầu mối xăng dầu. Tuy nhiên, từ thực tế một số vụ việc vừa qua, ông Long cho rằng vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước còn mờ nhạt.
ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ BOG. Ông Hòa cho rằng pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm của 2 cơ quan này nhưng trên thực tế đã để xảy ra tình trạng DN đầu mối xăng dầu chiếm dụng quỹ, không tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng quỹ. “Rõ ràng vai trò kiểm tra, giám sát cần phải được làm rõ, 2 Bộ Công Thương – Tài chính đã làm tốt nhiệm vụ giám sát của mình hay chưa khi số tiền dư của quỹ không hề nhỏ, lại trích từ túi tiền của người dân” – ông Hòa băn khoăn.
Việc quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang bộc lộ nhiều bất cậpẢnh: TẤN THẠNH
Cần sàng lọc doanh nghiệp đầu mối
Để tăng cường công tác quản lý đối với Quỹ BOG, Bộ Tài chính đã đề nghị Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) rà soát tình hình hoạt động kinh doanh của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm đáp ứng các điều kiện theo quy định, trong đó có việc sử dụng Quỹ BOG theo thông báo điều hành của Bộ Công Thương. Đặc biệt, trường hợp phát sinh những vấn đề liên quan đến hoạt động của DN có ảnh hưởng đến Quỹ BOG, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương rà soát theo thẩm quyền và thông tin để Bộ Tài chính phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh những bất cập về Quỹ BOG, một số DN đầu mối xăng dầu còn cho thấy sự bất ổn trong hoạt động kinh doanh khi nợ thuế lớn. Giữa tháng 9-2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình cho biết trước đó đã có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai (trú huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà – một DN đầu mối xăng dầu, lý do là DN này thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Theo thông báo của Cục Thuế tỉnh Thái Bình, DN này nợ hơn 1.736 tỉ đồng thuế, chủ yếu là Thuế Bảo vệ môi trường mà người tiêu dùng đã đóng vào ngân sách nhà nước thông qua việc mua xăng, dầu của Công ty Hải Hà.
Tương tự, Công ty TNHH Trung Linh Phát ở TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đang nợ thuế số tiền hơn 115 tỉ đồng. Theo đại diện Cục Thuế tỉnh Ninh Bình, cơ quan này đang áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, cấm xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Trung Linh Phát vì nợ thuế số tiền vừa nêu khoảng 3 năm nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một cán bộ chuyên trách quản lý nợ thuế của Cục Thuế TP HCM, cho biết Công ty Xuyên Việt Oil – một trong những đầu mối xăng dầu đang nợ các khoản thuế mà Cục Thuế TP HCM có trách nhiệm phải thu. Nguyên nhân chính là tháng 8-2023, Xuyên Việt Oil đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu do có sai phạm trong việc sử dụng Quỹ BOG. Ngay lập tức, các ngân hàng không cho Xuyên Việt Oil vay tiền khiến hoạt động kinh doanh bị thu hẹp, đồng thời công ty này không quay vòng được dòng tiền dẫn đến trình trạng nợ thuế. Cục Thuế TP HCM đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với công ty như phong tỏa, trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng…
Việc các DN nợ thuế đã được Bộ Tài chính chỉ rõ vào năm 2022 – thời điểm thị trường xăng dầu có trục trặc về nguồn cung. Khi đó, Bộ Tài chính đã đưa ra cảnh báo dừng làm thủ tục đối với các công ty để bảo đảm tránh nguy cơ thất thu thuế của nhà nước theo đúng quy định pháp luật về quản lý thuế.
Về vấn đề nợ thuế nêu trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc cấp phép hoạt động cho các DN đầu mối. Ông Hòa đặt vấn đề những DN phát sinh nợ thuế lớn, lên tới hàng ngàn tỉ đồng, liệu có vấn đề gì ngay từ thời điểm duyệt hồ sơ cấp phép hay không, có đủ điều kiện để được cấp phép hay không? Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, nếu DN đầu mối xăng dầu có tiềm lực, đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh, họ sẽ làm ăn bài bản, góp phần bảo đảm nguồn cung xăng dầu, thực hiện đúng các trách nhiệm liên quan về Quỹ BOG và thuế, thay vì chiếm dụng quỹ và nợ thuế như một số trường hợp nêu trên.
ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị cần có đợt thanh tra, kiểm tra, rà soát toàn diện đối với các DN đầu mối xăng dầu để sàng lọc, loại bỏ những DN không đáp ứng điều kiện, thậm chí lợi dụng vào hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm trục lợi, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Công khai số dư quỹ còn nhiều bất cập
Theo quy định tại Thông tư 103 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ BOG đã nêu rõ quy định về lập, quản lý Quỹ BOG; trách nhiệm của các DN đầu mối xăng dầu trong hạch toán, kết chuyển quỹ; công khai, báo cáo Quỹ BOG. Theo đó, đối với quy định về công khai, báo cáo, DN đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm công bố công khai trên trang thông tin điện tử của DN hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về số dư Quỹ BOG trước mỗi lần thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện công khai số dư quỹ còn nhiều bất cập…
M.Phong
TS VÕ TRÍ THÀNH, chuyên gia kinh tế:
Giám sát việc thực thi Quỹ BOG
Cần phải có nghiên cứu đầy đủ hơn về chính sách gọi là Quỹ BOG kết hợp với việc điều tiết đối với xăng dầu. Việc quản lý sử dụng Quỹ BOG phải trên nguyên tắc theo cơ chế thị trường, nhưng khi thị trường có cú sốc quá lớn về giá làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, kinh tế vĩ mô thì nhà nước có thể can thiệp, ra tay bằng nhiều công cụ. Về Quỹ BOG, hiện nay nhiều người đề nghị xem xét lại nó có thật sự là bình ổn giá không, đồng thời phải giám sát việc thực thi quỹ này sao cho hiệu quả.
GS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế:
Cần giao cho Bộ Công Thương quản lý Quỹ BOG
Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu tương đối bình ổn nên cũng không trích quỹ và xả quỹ nhưng thực tế việc quản lý Quỹ BOG đang có vấn đề. Cụ thể, khi giá xăng dầu tăng cao, cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra đã phát hiện một số đơn vị sử dụng quỹ không đúng, có DN không trích đúng quỹ theo quy định. Đây là một trong những vấn đề rất nghiêm trọng đối với lĩnh vực này, do đó cần có cơ chế, chính sách và biện pháp chế tài để việc sử dụng, quản lý Quỹ BOG đi vào nề nếp và ổn định. Theo đó, Bộ Công Thương phải quản lý quỹ bình ổn này, bởi vì bộ là đơn vị quản lý xăng dầu toàn diện từ việc xem xét điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép… Còn Bộ Tài chính không nên tham gia quản lý quỹ bình ổn này. Cần phải phân vai rõ ràng để chỉ ra trách nhiệm của đơn vị quản lý quỹ.
Ngoài ra, cần thay đổi khâu kiểm tra, giám sát đối với Quỹ BOG để phù hợp với tình hình thực tế.
N.Hải