“‘Người điên’ sẽ thay đổi thế giới”
Tối thứ Sáu 22/9/2023, một vụ cháy xảy ra tại khu nhà xưởng rộng 750m2 của công ty Plastic People ở TP Thủ Đức. Thiết bị, máy móc, sản phẩm đa phần bị thiêu rụi.
Lao đến hiện trường, việc đầu tiên của Nano Monrante, đồng sáng lập Plastic People là hỏi thăm xem có ai bị thương không. Trong hoàn cảnh tưởng chừng như tuyệt vọng, vị CEO người Argentina nhanh chóng tìm ra khía cạnh lạc quan: “Tôi vẫn còn 26 con người trong Plastic People và cả một cộng đồng sẵn sàng hỗ trợ. Việc quan trọng nhất ngay lúc này là vực dậy tinh thần và gây dựng lại công ty. Người ta luôn nói về việc Plastic People truyền cảm hứng cho cộng đồng, bây giờ chính là lúc mà chúng tôi phải thể hiện cảm hứng đấy mạnh mẽ nhất”.
Plastic People được Nano Monrante và Nestor Catalan (người Tây Ban Nha) đồng sáng lập vào năm 2020, ngay ở thời kỳ dịch Covid-19 đang lên đỉnh. Công ty hoạt động trong lĩnh vực tái chế nhựa thành đồ nội thất, vật liệu xây dựng.
Những người sáng lập Plastic People đã kỳ vọng công ty của họ sẽ góp phần giúp Việt Nam giải bài toán đầy hóc búa về môi trường – rác thải nhựa.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2022 tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh ở Việt Nam là 2,9 triệu tấn. Tuy nhiên, chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Số còn lại thất thoát ra môi trường gây nguy hiểm cho hệ sinh thái.
Xử lý rác thải nhựa chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng. Khởi nghiệp vào lúc Covid-19 đang bùng phát mạnh lại là một thách thức lớn khác.
Trước khi thành lập Plastic People, Nano là một nhà làm phim tài liệu, đầu bếp, đã từng sống ở 10 nước khác nhau và Nestor là người làm trong ngành quảng cáo. Họ gặp nhau ở Việt Nam và đi đến ý tưởng xây dựng một công ty sản xuất đồ nội thất, với mục tiêu cung cấp giải pháp tái chế bền vững cho môi trường, nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.
“Thời điểm ấy, nhiều người bảo rằng chúng tôi điên. Nhưng tôi tin rằng ‘người điên’ sẽ thay đổi thế giới”, Nano nhớ lại.
4 năm và 800 tấn rác thải nhựa
Họ bắt tay vào làm với quy mô và số vốn tương đối hẹp, khoảng 150 triệu đồng với hai chiếc máy nung và ép nhựa để nhờ trong khuôn viên của một trường quốc tế. Dần dần, từng chút một, máy móc, nhà xưởng và nhân sự được mở rộng ra. Hiện Plastic People đã tái chế được 800 tấn rác nhựa sau tiêu dùng với tỷ lệ tái chế đạt 100%.
Sản phẩm của Plastic People là những đồ vật hữu dụng và gần gũi như: đồ dùng cá nhân, nội thất, vật liệu xây dựng… Đặc biệt, doanh nghiệp hướng đến sản xuất đồ nội thất, vật liệu xây dựng có kích thước lớn như vách tường, mặt bàn vì nó sẽ giúp nhiều rác nhựa được trở lại đời sống hơn.
Các đối tác của công ty là những kiến trúc sư, nhà thiết kế mong muốn mở rộng những lựa chọn về vật liệu hướng đến sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp như Wink Hotel, Rang Rang Cafe, Pizza 4P’s… cũng lựa chọn sản phẩm của Plastic People. Năm 2022, công ty lọt vào danh sách là một trong năm nhà đổi mới xuất sắc nhất của chương trình “Thử thách tái chế rác thải nhựa Đông Nam Á”.
“Thứ mất đi chỉ là tiền, nhưng cộng đồng thì còn mãi…”
Sau vụ cháy, văn phòng Plastic People bây giờ là một quán cà phê cách căn xưởng khoảng 2 km. Ở đó, khối văn phòng khoảng 7 người đang liên tục gõ phím, gọi điện thoại, xử lý giấy tờ. Nano nói hơn 80% nhân viên chọn ở lại và đề nghị được giảm tiền lương để giúp công ty đứng dậy sau thảm hoạ.
Bước đi giữa những tấm tôn đổ sập, bức tường cháy đen, Nano dừng lại và ánh mắt anh trở nên mừng rỡ. Dưới chân anh là những hạt nhựa li ti, sợi nylon còn sót lại sau vụ cháy.
Đây là lần thứ 2 anh chứng kiến tài sản của mình chìm trong ngọn lửa. Lần đầu tiên là căn nhà bốc cháy vào năm 2013. “Thử nghĩ xem đến một ngày bạn bước vào căn nhà của mình và sách bạn từng đọc không còn, áo bạn từng mặc thành tro, cảm giác sững sờ lắm”, Nano nhớ lại.
Vị CEO của Plastic People kể rằng không chỉ nhân viên mà cả gia đình họ cũng khóc rất nhiều khi được thông báo về vụ cháy. Nhưng mọi cảm xúc buồn bã và tiêu cực đã trôi qua hết vào hai ngày cuối tuần. Đến thứ Hai, mọi người tập trung tại căn xưởng đã cháy đen, với tinh thần “phủi bụi, đứng lên, đi tiếp”.
“Chúng ta sẽ bắt đầu lại từ chính những thứ tưởng chừng như đã sụp đổ, biến mất”, Nano khẳng định với Tâm – người cộng sự gắn bó cùng anh 3 năm.
Trong khi Nano đang ở Việt Nam thì Nestor – đồng sáng lập công ty, về lại Tây Ban Nha chuẩn bị cho kế hoạch mở thêm xưởng tại đây.
“Khi nghe tin vụ cháy, Nestor không thể hiểu được vì sao tôi lại có thể suy nghĩ tích cực đến vậy. Thật ra, đến tôi còn bất ngờ với phản ứng của chính mình.
Với tôi, mọi khó khăn đến sẽ để lại một bài học. Khi mở công ty vào đợt dịch Covid-19, Nestor đã dạy tôi bài học về cách thích nghi với hoàn cảnh và bây giờ tôi đang áp dụng nó đây. Tôi tin rằng con người sẽ nhận thức rõ về bản thân hơn khi ở trong sự hỗn loạn và bất định. Cứ khóc và buồn bã vì chúng ta là con người. Nhưng cũng hãy biết rằng những đau khổ này rồi sẽ qua, chúng ta sẽ lại tiến lên phía trước. Đôi khi khó khăn này đến chỉ để thử thách sự kiên định của bản thân”.
Vụ cháy xưởng lần này là thiệt hại lớn nhất về mặt tài chính của Nano. Anh cười và nói rằng tài khoản đã rơi vào mức báo động đỏ.
“Nhưng điều đó không có nghĩa rằng tôi chạy trốn khỏi vấn đề nhé. Plastic People đang đi từng bước nhỏ để chuẩn bị cho một sự thay đổi lớn. Có những vấn đề xảy ra nằm ngoài kế hoạch, như vụ hoả hoạn này chẳng hạn. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng kế hoạch đang đi chệch đường. Mục tiêu của chúng tôi vẫn hướng đến cộng đồng”, anh nói.
Những ngày này, doanh nghiệp đang tất bật lo những thủ tục hành chính và thuê người đến kiểm tra máy móc còn sót lại. Nano bảo rằng anh rất biết ơn những người lính cứu hoả vì đã cứu được nhiều thiết bị nhất có thể trong trận cháy lớn đến vậy. Ngoài chính bản thân doanh nghiệp, cộng đồng cùng góp sức bằng cách hỗ trợ vào chiến dịch gây quỹ. Có người trợ giúp bằng tiền bạc, người thì trợ giúp về mặt kỹ năng, nghiệp vụ.
“Chúng tôi đã góp vào cuộc sống từ những thứ vô hình như cảm hứng, niềm tin, lý tưởng cho đến hữu hình là các sản phẩm tái chế. Và bây giờ qua sự giúp đỡ từ cộng đồng, chúng tôi đang nhận lại những gì đã trao đi. Vậy có thể xem là Plastic People đã thành công rồi”, Nano chia sẻ.
Vụ cháy cướp đi căn xưởng, nơi anh cũng những người cộng sự đã gầy dựng suốt 4 năm thế nhưng Nano tin “thứ mất đi chỉ là tiền, còn cộng đồng và thương hiệu thì ở mãi. Plastic People chưa chết đâu, chúng tôi sẽ xây lại từ đầu”.
Từ “recycling” với Plastic People không dừng lại ở nghĩa “tái chế” mà còn là cho cả rác thải và con người một cơ hội sống thứ hai, kể cả thứ ba. Biến cố lần này với Plastic People cũng có thể là cơ hội cho một sự sống mới, giúp doanh nghiệp càng thêm bền vững và mạnh mẽ hơn.
“Giải thưởng thành động vì cộng đồng – Human Act Prize” do báo Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng – Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!