Trong chia sẻ mới đây, ông Don Lam – Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital – nhấn mạnh “Nền kinh tế sẽ thiệt hại hàng tỷ USD nếu các doanh nghiệp (DN) không phát triển xanh”. Hàng tỷ USD là con số rất lớn và gây bất ngờ, vậy cụ thể các thiệt hại nếu Việt Nam không đáp ứng các tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội, và Quản trị (ESG) là gì?
Thứ nhất, các thị trường trọng điểm xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam như Mỹ, châu Âu hay gần hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều có những quy định cụ thể về thuế và những công cụ tài chính carbon.
Ví dụ, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Châu Âu dự kiến sẽ đánh thuế từ 80 – 100 EUR cho mỗi tấn CO2 tương đương phát thải ra môi trường trong quá trình sản xuất sản phẩm khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu. Nghĩa là, nếu DN không thực hiện cắt giảm hoặc đền bù lượng phát thải của mình, con số phát sinh do phải đóng thuế carbon sẽ là rất lớn.
Thứ hai , việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cũng ngày càng bị yêu cầu khắt khe hơn đối với những tiêu chuẩn ESG. Nếu DN không sớm hành động thì sẽ mất đi nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn vốn này để mở rộng kinh doanh và sản xuất.
Đơn cử đề án triển khai JETP mới đây, Việt Nam là quốc gia thứ 3 trên thế giới ký kết JETP với các nước IPG sau Nam Phi và Indonesia. Theo tuyên bố, các đối tác JETP sẽ huy động số tiền ban đầu lên tới ít nhất là 15,5 tỷ USD cho Việt Nam trong vòng 3 – 5 năm tới. Trong đó, 7,75 tỷ USD do IPG (bao gồm những đối tác như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Đức, Anh, Pháp, Na Uy, Đan Mạch…) cam kết huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại. Đồng thời, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) sẽ huy động và thúc đẩy thêm ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân.
Cuối cùng, ông Don Lam cho biết các đối tác thương mại và nhập khẩu hàng hóa cũng đang ngày càng trở nên khắt khe hơn khi áp dụng các tiêu chuẩn ESG vào quá trình mua bán. Đó đều là những đối tác lớn và tiên phong, và DN sẽ vuột mất cơ hội làm ăn với những đối tác quan trọng này nếu không tích hợp ESG vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Được biết, giá trị của thị trường carbon toàn cầu đã lên đến hàng trăm tỷ USD. Thị trường này đang được đánh giá là tăng trưởng rất nhanh theo yêu cầu cam kết của lộ trình Net Zero 2050 (riêng Tesla đã thu về hơn 2 tỷ USD từ việc bán tín chỉ carbon trong năm 2022…).
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 100 quốc gia công bố hoặc lên kế hoạch và lộ trình trung hòa phát thải carbon. Để đạt được phát thải ròng bằng 0, các quốc gia sẽ cần tích cực thiết lập lộ trình thực hiện của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng sạch và giải pháp cắt giảm phát thải carbon cho toàn bộ các ngành kinh tế. Những quy định mới như Cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM) của Liên minh châu Âu hay Đạo luật cạnh tranh sạch của Hoa Kỳ là những ví dụ tiêu biểu có thể tác động rất lớn đến cách thức mà nền kinh tế trong tương lai sẽ vận hành. DN không sớm hành động sẽ phải đóng những mức thuế phát thải rất cao và sẽ bị mất lợi thế cạnh tranh rất lớn.
“ Chúng tôi hiểu rằng cách tiếp cận về ESG còn khá mới mẻ đối với DN Việt Nam và h ọ còn nhiều bỡ ngỡ là điều không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, trong thời gian qua chúng tôi tích cực đồng hành cùng các hiệp hội để tổ chức những khóa đào tạo nâng cao nhận thức và năng lực thực hành ESG cho doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng, xanh hóa nền kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững là chặng đường chuyển đổi tư duy và chính sách toàn diện, cần có lộ trình cụ thể và huy động nguồn lực lớn ”, vị này cho biết.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần lượng vốn đầu tư khoảng 370 tỉ USD (tương đương khoảng 6,8% GDP/năm) để triển khai đồng thời lộ trình chống chịu với biến đổi khí hậu và trung hòa phát thải carbon.
Cũng cần nhìn nhận, việc chuyển đổi sản xuất để đáp ứng tiêu chí của nhà đầu tư, đối tác và đặc biệt là khách hàng quốc tế về ESG không hề đơn giản. Do đó, ông Don Lam cho biết DN cần thực hiện từng bước. Trước mắt, DN cần có bộ phận chuyên trách và có chuyên môn về ESG để triển khai có hiệu quả nhất. DN cũng cần đánh giá hiện trạng của mình, tìm ra những rủi ro và cơ hội để cải thiện. Sau đó, có thể ưu tiên bắt đầu với những giải pháp đơn giản và tiết kiệm trước.
VinaCapital cũng vừa lập quỹ VinaCarbon – đầu tư vào những DN và dự án có giải pháp cắt giảm phát thải và tạo tín chỉ carbon. Đây là một loại hình đầu tư đầu tiên ở Việt Nam, trên thế giới cũng đã có những mô hình tương tự ở các nước phát triển. Sắp tới, tín chỉ carbon sẽ rất cần thiết với doanh nghiệp xuất khẩu.
Chia sẻ về quỹ này, ông Don Lam cho biết sẽ không có một giới hạn cụ thể vốn đầu tư cho từng thương vụ. Tùy vào đặc điểm, quy mô và tác động tích cực mà doanh nghiệp và dự án có thể tạo ra thì chúng tôi sẽ cơ cấu giá trị đầu tư phù hợp nhất.
“ Chúng tôi đang tích cực thẩm định một vài doanh nghiệp và dự án cụ thể. Ngoài ra, VinaCarbon cũng đang thảo luận với các đối tác hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này để triển khai những hợp tác chiến lược tại thị trường Việt Nam ”, ông Don Lam tiết lộ.