Mới đây, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) tổ chức Diễn đàn Lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam 2023. Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 30 năm phong trào doanh nghiệp trẻ Hà Nội và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của HanoiBA.
Tại diễn đàn, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cũng đã có những chia sẻ bất ngờ về công việc “nặng nề” hiện tại mình vẫn làm ở độ tuổi 70, ngay cả khi đang là lãnh đạo của một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam: “Tôi phải đi bán hàng và đến bây giờ vẫn còn đi bán hàng”.
Theo chia sẻ của ông Trương Gia Bình, mới đây ông phải trực tiếp bay sang Nhật Bản gặp một công ty khách hàng, ngồi một tiếng đồng hồ để tư vấn, thuyết phục họ. Sau đó lại tiếp tục ra tàu điện đi gặp một công ty khác.
“Tôi kêu ca với nhân viên của mình rằng ngày trước anh có 5 cuộc gặp với đối tác một ngày tại sao bây giờ chỉ còn có 3. Nhân viên của tôi trả lời rằng là để giữ sức khỏe cho tôi. Tôi cho rằng mình không ngại điều đó và vẫn có thể tiếp tục làm việc”, ông Bình bộc bạch.
Chủ tịch FPT cho rằng hiện nay rất hiếm doanh nghiệp lớn giờ này vẫn còn đi bán sản phẩm vì như vậy mình phải “chiều” khách hàng, có khi phải hạ mình thấp đến tận cùng thì mới có thể bán hàng được. Tất cả những tập đoàn nổi tiếng là đối tác của FPT là đích thân ông đi chào mời sản phẩm.
Ông Trương Gia Bình còn cho biết bán hàng tại Mỹ còn vất vả hơn nữa. Các khách hàng của FPT ở các thành phố khác nhau, có khi phải di chuyển bằng máy bay qua lại mấy lần. Có những ngày vị Chủ tịch này có khi phải bay vài chuyến như thế, từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ. Đến hiện tại, khi FPT đã bắt đầu phải sản xuất được chip thì có khi phải gặp hết tất cả các công ty trong ngành này tại Mỹ để thuyết phục họ mua sản phẩm.
Tại buổi tọa đàm, ông Trương Gia Bình cũng chia sẻ thêm về việc như thế nào để có thể trở thành một lãnh đạo có tâm. Ông lấy ví dụ về câu chuyện vào năm 2011, khi ông đang họp với ông Ogawa – giám đốc của FPT Japan. Ông Bình nhận ra có nét đượm buồm trên gương mặt vị lãnh đạo người Nhật.
Sau cuộc họp ông biết được rằng ở Nhật Bản vừa trải qua một trận động đất và sóng thần kinh hoàng. Vì vậy ông đã tức tốc bảo nhân viên đặt vé để mình bay sang Nhật ngay lập tức.
“Thư ký nói với tôi rằng phóng xạ lên đến hơn 200 lần rồi anh ạ, anh không thể đi được, bọn em không phép anh đi. Ơ thế anh quyết hay các em quyết? Thậm chí, về nhà vợ tôi cũng không cho đi” ông Bình nói.
Tuy nhiên, lúc đó ông Bình đã giải thích rằng bản thân mình là người đứng đầu của một tập đoàn, chỗ “đầu sóng, ngọn gió thì mình phải đứng”. Đó mới là con người của ông. Đã là lãnh đạo thì phải biết hy sinh, phải sẵn sàng thật lòng hy sinh thì nhân viên mới dám theo và đặt niềm tin vào mình.
Bên cạnh đó, ông Trương Gia Bình còn cho rằng người đứng đầu doanh nghiệp phải luôn đau đáu về chiến lược và tư duy đổi mới. Nhà lãnh đạo phải có hành động, cũng như khát khao đưa doanh nghiệp hóa hổ, hóa rồng. Từ đó, doanh nghiệp góp phần xây dựng đất nước hùng mạnh.