Tục ngữ có câu: Muốn làm giàu thì trước tiên phải xây đường.
Làm đường là để phục vụ cho cả cộng đồng, cho chính mình cũng như người khác. Do đó, rất nhiều thôn xóm ở khu vực xa xôi thường tự góp tiền để xây dựng, tu sửa đường xá để sinh hoạt thuận tiện hơn. Nhà nào có nhiều thì góp nhiều, có ít thì góp ít ở mức cơ bản. Khi đường xây xong, tất cả mọi người đều được sử dụng trong vui vẻ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người ích kỷ, tự cho bản thân thông minh nên ham món lợi nhỏ. Họ không những không đóng góp tiền bạc, mà còn không thèm góp công góp sức. Bản thân chỉ nghĩ rằng, đường xây xong thì ai cũng được đi, chẳng thể cấm họ được.
Thực ra, lúc bình thường bạn cư xử như thế nào không quan trọng, nhưng khi trong nhà có việc lớn, thái độ của mọi người sẽ tiết lộ nhân phẩm gia đình bạn.
Tình huống như vậy đã xảy ra tại một tỉnh ở miền trung của Trung Quốc. Theo Sohu, trong đám cưới của một người đàn ông, thay vì hoan hỉ đi ăn cưới, dân làng đã lái máy xúc chặn đoàn xe cưới, không cho xe của nhà trai đi qua.
Cả đoàn xe cưới bị ùn tắc vì bị chặn đầu, không thể đi qua. Ảnh: Sohu
Lúc này họ mới nhận ra, sự tham lam trước kia chỉ đổi lấy cảm giác bẽ bàng trong ngày trọng đại của cuộc đời.
Vụ việc xảy ra trên một con đường nông thôn. Những hình ảnh ghi lại cho thấy nhiều xe cưới phải xếp hàng ùn tắc trên đường, chỉ có xe ba bánh và xe điện mới có thể đi qua.
Không phải xe cưới muốn cản trở giao thông, mà là một chiếc máy xúc đỗ trước xe, dùng xô chặn đường xe cưới, khiến cả hàng xe không thể đi qua chứ đừng nói là quay đầu lại. Gia đình hai bên đều hết sức lo lắng vì sợ lỡ giờ lành, cũng không muốn gây gổ xích mích trong ngày lành tháng tốt của các con.
Ban đầu, khi hình ảnh được tung ra, nhiều người cho rằng đây là một phong tục xin kẹo cưới hay bao lì xì ở vùng nông thôn. Không ngờ, câu chuyện đằng sau hoàn toàn khác hẳn.
Thì ra khi làng tổ chức làm đường xi măng, nhà trai không nộp một xu nào. Dân làng không nói gì. Nếu không muốn góp tiền, vậy ít nhất cũng nên góp sức khi trong nhà có thanh niên trai tráng. Tuy nhiên, người nhà này cho rằng, mình chỉ đi xe đạp điện, không cần dùng tới đường xi măng nên nhất quyết không tham gia.
Người dân thờ ơ chứng kiến cảnh tượng này. Ảnh: Sohu
Hơn nữa, gia đình còn cho biết, sau này dù có mua ô tô thì họ cũng sẽ không đi con đường này mà sẽ đỗ xe ở cổng làng rồi đi bộ vào. Vì gia đình họ đã nói như vậy nên người dân trong làng bất lực, cũng không yêu cầu họ đóng góp gì nữa.
Cho tới thời điểm hiện tại, khi gia đình này tổ chức lễ rước dâu và muốn lái xe cưới đến trước cửa nhà mình, dân làng đương nhiên không đồng ý. Họ đồng loạt yêu cầu gia đình này thực hiện đúng như những gì đã hứa trước đó.
Trong trường hợp này, lựa chọn duy nhất là nhà trai phải thương lượng với dân làng để đưa máy xúc ra khỏi đường, tổ chức lễ cưới cho đôi uyên ương trước, những việc khác giải quyết sau.
Nếu không muốn trễ giờ tổ chức hôn lễ, gia đình này buộc phải nhanh chóng tìm ra cách thương lượng với dân làng. Ảnh: Sohu
Trước tình huống này, cư dân mạng có nhiều quan điểm khác nhau về những gì dân làng đã làm.
Có người hết sức ủng hộ dân làng vì công trình xây đường ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng núi, thường không dễ, cần huy động nhiều sức người sức của. Mục đích làm đường là để mọi người đi lại dễ dàng hơn. Ai có sức thì nên góp sức, ai có của thì nên góp của. Là một người dân trong làng, nếu họ biết nghĩ cho lợi ích chung thì đã không xảy ra cơ sự này.
Ngược lại, cũng có người cho rằng không làm đường và kết hôn là hai việc khác nhau. Hành vi chặn đường là hoàn toàn sai phạm. Đặc biệt, làm lỡ dở ngày kết hôn của người khác thì hơi vô nhân đạo. Gia đình kia có thể sai về nhân phẩm, nhưng dân làng đang sai về quy tắc, quy định.
*Nguồn: Sohu