Giá vàng thế giới giảm nhẹ sáng nay (25/9), nhưng giá vàng trong nước nơi tăng nơi giảm. Giới phân tích cho rằng áp lực giảm đối với giá vàng quốc tế vẫn còn lớn vì tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn đang duy trì xu hướng tăng.
Lúc hơn 9h, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,42 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,08 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối tuần, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng tương ứng 60.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu có giá 57,06 triệu đồng/lượng và 57,96 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,4 triệu đồng/lượng và 69,1 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng thứ Bảy.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 1.924 USD/oz, giảm 1,8 USD/oz, tương đương giảm gần 0,1%, so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tại New York. Mức giá này tương đương 56,8 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 12,3 triệu đồng/lượng.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 24.150 đồng (mua vào) và 24.520 đồng (bán ra), giảm 10 đồng ở mỗi đầu giá so với mức chốt của tuần trước.
Xu hướng tăng của tỷ giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang gây áp lực giảm giá lên vàng, tài sản được định giá bằng USD và không mang lãi suất.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác sáng nay tăng nhẹ so với mức đóng cửa tuần tuần trước, đạt mức 105,6 điểm. Mức điểm này của chỉ số cách không xa mốc cao nhất 6 tháng là 105,8 điểm thiết lập vào hôm thứ Sáu.
Đồng USD đã tăng giá khoảng 1,5% trong 1 tháng trở lại đây và tăng hơn 2,8% trong 3 tháng – theo dữ liệu từ FactSet.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đang tăng, đạt mức 4,46 điểm, cách không xa mức đỉnh của 16 năm là 4,5% thiết lập vào tuần trước.
Tỷ giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều đang được thúc đẩy bởi kỳ vọng cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lạm phát. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào tuần trước, Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm 1 lần trong thời gian còn lại của năm nay và giảm dự báo về số lần hạ lãi suất trong năm 2024.
Ngoài ra, việc nền kinh tế Mỹ vững vàng hơn các nền kinh tế lớn khác của thế giới ở thời điểm này cũng là một động lực quan trọng để đồng USD duy trì xu hướng tăng. Theo giới chuyên gia, chừng nào triển vọng kinh tế Mỹ và lãi suất của Mỹ chưa thay đổi, đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ còn tăng, và giá vàng sẽ tiếp tục ở thế bất lợi.
Các quỹ ETF vàng vẫn đang bán ròng vàng vì không mấy lạc quan về triển vọng của giá vàng trong ngắn hạn.
Nhà phân tích Carsten Fritsch của ngân hàng Đức Commerzbank cho biết trong tuần vừa rồi, các quỹ ETF đã bán ròng 16 tấn vàng. Còn theo dữ liệu từ trang web của ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust, quỹ này đang nắm gần 877,4 tấn vàng, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020.
Dù vậy, theo một số chuyên gia, một số rủi ro đối với kinh tế Mỹ và toàn cầu có thể đẩy giá vàng bật tăng trở lại. Chẳng hạn, Chính phủ Mỹ đang có nguy cơ đóng cửa nếu Quốc hội nước này không thống nhất được về việc gia hạn ngân sách trước thời hạn 30/9.
Tuần này, giá vàng sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của các số liệu kinh tế Mỹ, trong đó có báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) điều chỉnh dự kiến được công bố vào ngày thứ Năm, tiếp đó là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – dự kiến được công bố vào ngày thứ Sáu.