Xuất khẩu giảm
Thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết 15/9/2023, tổng trị giá xuất khẩu của nước ta đạt 242,04 tỷ USD, giảm 23,44 tỷ USD (8,8%) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 9,01 tỷ USD tương ứng giảm 22,8% so với con số 11,67 tỷ USD đạt được cùng kỳ năm 2022.
Nói về tình hình
ngành gỗ
ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, kế hoạch của ngành gỗ là đạt kim ngạch xuất khẩu 17 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ diễn biến không mấy tích cực, tình trạng thiếu hụt đơn hàng phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp.
8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt khoảng 8,3 tỷ USD, giảm gần 26% so với cùng kỳ.
“Tuy nhiên, từ tháng 5/2023 đến nay, tình hình xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi khả quan, bình quân mỗi tháng có thể đạt trên 1,2 tỷ USD/tháng. Trong cùng giai đoạn, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhập khẩu lượng lớn gỗ nguyên liệu. Lượng gỗ nhập về bình quân tăng 5 – 10%/tháng. Đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp gỗ đang tích cực chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm”, ông Phương cho biết.
Đồng thời, ông Phương dự báo, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ có thể đạt thêm 6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 lên khoảng 14 – 14,5 tỷ USD.
Tín hiệu tích cực đã được chỉ ra, với lượng đơn hàng đang dần trở lại và hy vọng về sự phục hồi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gỗ hiện tại vẫn đối diện với những khó khăn.
Doanh nghiệp cầm chừng
Trả lời
Nhadautu.vn
về triển vọng phục hồi của ngành gỗ, đại diện Công ty TNHH Gỗ Thiên Thành Phát cho rằng, ngành gỗ hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường quốc tế, với lượng lớn đơn hàng cung ứng cho thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc… Khi kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động, ngành gỗ Việt cũng lao đao theo.
“Giống như dệt may, doanh nghiệp ngành gỗ cũng đang gặp khó. Lượng đơn hàng hiện tại rất thiếu, chỉ bằng khoảng 30 – 40% thời kỳ trước. Ngành gỗ là ngành phụ thuộc vào thị trường quốc tế, trong nước cũng chẳng đáng kể. Nào là nhập khẩu nguyên vật liệu, sản xuất, nhân công… bao nhiêu là chi phí”, đại diện Công ty Thiên Thành Phát cho biết.
Còn ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Công ty TNHH TM Xuất Nhập khẩu CMH Việt Nam cho rằng, những tín hiệu phục hồi của ngành gỗ là có, nhưng không rõ ràng, phản ánh qua lượng đơn hàng không thường xuyên, trong khi, giá cả nguyên vật liệu leo thang, hiện tại doanh nghiệp đang ở chế độ cầm chừng.
“Thị trường gỗ hiện tại rất bấp bênh và không rõ ràng. Giá cả không ổn định, đơn hàng không ổn định. Ví dụ sản xuất hàng nội thất trong nước thì cần mua gỗ. Nhưng đơn hàng nội thất không đều, gần như chỉ có đơn ngắn hạn 2, 3 tháng. Điều này dẫn đến việc cân đối nguyên vật liệu sản xuất. Mua nhiều thì tồn kho khi không có đơn hàng, còn mua ít thì sau này thị trường tăng giá lại bị động. Hiện tại, chúng tôi đều lo ngại và ở chế độ cầm chừng”, ông Hải trả lời
Nhadautu.vn
.
Điều này tương đồng với thông tin
Nhadautu.vn
từng đưa về triển vọng phục hồi của thị trường gỗ phụ thuộc vào ngành bất động sản, Hiệp hội bất động sản Việt Nam dự báo thị trường bất động sản còn trầm lắng cho đến hết 2023, chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn từ quý II hoặc III/2024. Động lực đến từ bước tiến về môi trường pháp lý, tăng trưởng kinh tế và nút thắt tài chính được tháo gỡ…
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp gỗ xin không nêu tên cho biết, một trong những khó khăn hiện tại là việc
chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT)
cho doanh nghiệp, thậm chí, nhiều doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế trong 2 năm liền đã dẫn đến kiệt quệ…