Xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đã đạt hơn 5,8 triệu tấn, mức cao nhất từ trước tới nay, kim ngạch đạt 3,1 tỷ USD, tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ. Giá gạo từ đầu năm đến nay cũng liên tục đạt đỉnh.
Đặc biệt, sau khi Chính phủ Ấn Độ chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của nước ta đã liên tục tăng mạnh từng ngày. Chỉ trong vòng nửa tháng, các mặt hàng gạo xuất khẩu trọng điểm đã tăng đến gần 100 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch 18/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 628 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất thế giới và cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 16 USD/tấn.
Động lực này đã “phả” hơi nóng vào cổ phiếu nhóm lúa gạo trên thị trường. Mã VSF của Tổng Công ty Lương thực miền Nam – CTCP (Vinafood 2, UpCOM: VSF) tăng gấp 5 lần chỉ sau 3 tháng. Có giai đoạn, VSF liên tục kịch trần, đưa thị giá từ vùng 7.000 đồng/cp (hồi tháng 8) lên hơn 40.000 đồng/cp như hiện tại.
Đây cũng là mức giá cao nhất của VSF kể từ khi niêm yết. Tương ứng, khoản đầu tư của ông Nguyễn Quang Hiển (bầu Hiển) vào công ty này đã tăng vọt.
Điểm lại, năm 2018, Vinafood 2 lần đầu thực hiện bán cổ phần ra công chúng (IPO) và lên giao dịch trên sàn UpCOM. Lúc bấy giờ, CTCP Tập đoàn T&T của bầu Hiển và CTCP Tập đoàn FPT là 2 đơn vị quan tâm, đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược nhưng chỉ có T&T đạt điều kiện.
Theo đó, bầu Hiển đã trả hơn 1.200 tỷ đồng để mua 125 triệu VSF (tương đương 10.100 đồng/cp), sở hữu 25% Vinafood 2 trên vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ này không thay đổi cho đến hiện tại, khoản đầu tư của bầu Hiển tại VSF đang trị giá hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 4,2 lần.
Từng bị coi là “khoản cược” của tay ngang T&T, với diễn biến giá gạo trong năm nay, bầu Hiển thắng lớn.
Vinafood 2 từng là nhà sản xuất gạo lớn nhất cả nước với 22 công ty con và công ty liên kết và được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ.
Trong suốt hơn 40 năm hoạt động, VSF là doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn với mức chế biến và xuất khẩu bình quân hàng năm đạt khoảng 2,8-3 triệu tấn gạo, kiêm ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, kể từ sau cổ phần hóa vào năm 2018, Vinafood 2 đối mặt với không ít lùm xùm do các sai phạm trong quản lý của dàn lãnh đạo cũ. Không chỉ vậy, vấn đề kinh doanh cốt lõi cũng gặp nhiều vướng mắc khiến doanh nghiệp này liên tục thua lỗ đậm hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2018-2021.
Tính đến hết năm 2021, lỗ lũy kế của Vinafood 2 là 2.654 tỷ đồng.
Sang năm 2022, với loạt tin vui cho ngành, hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 cũng dần có những chuyển biến tích cực, bước ngoặt lớn nhất là Công ty lần đầu tiên có lãi sau khi thực hiện cổ phần hoá.
Theo BCTC quý 2/2023, doanh thu VSF ghi nhận tăng 57% lên mức 6.867 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dù chỉ đạt vỏn vẹn 9,4 tỷ đồng, song cũng đã cao hơn gấp đôi so với mức thực hiện cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng, doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm của VSF lần lượt đạt 11.340 tỷ đồng và 9,9 tỷ đồng. Năm 2023, Vinafood 2 đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế là hơn 100 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2022.
Giải trình về hoạt động kinh doanh khởi sắc, Công ty cho biết việc thực hiện tiết giảm các khoản chi phí, theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường và kịp thời nắm bắt cơ hội là yếu tố then chốt giúp công ty ghi nhận các chỉ tiêu kinh doanh tốt.