Trong một buổi dạ tiệc lộng lẫy tại Beverly Hills, nơi hội tụ những tên tuổi lớn như Hoàng tử Harry, Buzz Aldrin, John Travolta và Morgan Freeman, trái ngược với thường lệ, sự chú ý của mọi người lại không đổ dồn vào các nhân vật nổi tiếng mà thay vào đó, họ tập trung vào một sáng chế đến từ Slovakia – chiếc AirCar.
Với khả năng biến hình từ ô tô thể thao thành máy bay chỉ trong vòng chưa đầy ba phút, có thể nói chiếc ô tô bay này đã chính thức trở thành một biểu tượng bước ra khỏi thế giới viễn tưởng để tiến đến sản xuất hàng loạt, với giá dự kiến dao động từ 800.000 đến 1 triệu USD.

AirCar là một mẫu ô tô bay đột phá do công ty KleinVision của Slovakia phát triển. Điểm nổi bật của AirCar là khả năng biến đổi linh hoạt giữa chế độ ô tô đường bộ và máy bay chỉ trong vòng chưa đầy 3 phút.
AirCar, sản phẩm của kỹ sư người Slovakia Stefan Klein, là sự kết hợp giữa kỹ thuật hàng không và thiết kế ô tô thể thao.
Không giống như các phương tiện bay thẳng đứng hiện đại hay các mẫu máy bay không người lái, AirCar vẫn cần một đường băng ngắn khoảng 300 mét để cất cánh.
Khi đã bay, nó có thể đạt tốc độ lên tới 250 km/h nhờ vào sử dụng động cơ đốt trong truyền thống với hệ thống cánh quạt giấu kín, theo đó, tầm bay của mẫu xe này có thể lên đến 1.000 km và trần bay cao 5.500 mét.

Xe có thể thu gọn cánh và đuôi khi ở chế độ ô tô, giúp di chuyển trên đường bộ dễ dàng. Khi cần bay, cánh và đuôi sẽ mở ra, biến đổi thành một chiếc máy bay nhỏ.
Ở thời điểm hiện tại, AirCar không phải là một nguyên mẫu ý tưởng nữa. Thay vào đó, nó đã hoàn tất hơn 500 lần cất và hạ cánh, tích lũy hơn 170 giờ bay thử nghiệm và đã được chứng nhận đủ điều kiện bay tại Slovakia.
Klein Vision, công ty đứng sau dự án này, kỳ vọng sẽ đưa AirCar ra thị trường vào đầu năm 2026, đánh dấu bước ngoặt khi đây là chiếc ô tô bay đầu tiên trên thế giới được sản xuất hàng loạt.

AirCar có thiết kế thể thao, kết hợp phong cách của xe đua Group C thập niên 1980 và máy bay chiến đấu Lockheed P-38 Lightning thời Thế chiến II. Xe có hai chỗ ngồi.
Trong buổi lễ được tổ chức bởi tổ chức Living Legends of Aviation, Stefan Klein đã được vinh danh với giải thưởng kỹ thuật cao nhất.
Ông chia sẻ: “Đây là một vinh dự lớn và là dấu mốc khiêm nhường. AirCar thực hiện ước mơ cả đời của tôi là mang lại sự tự do bay lượn đến tay những người bình thường”.
Đồng sáng lập Klein Vision, ông Anton Zajac, cho biết công ty không chỉ mơ về tương lai di chuyển mà đang thiết kế nó từng bước một.
AirCar có thể chở hai hành khách, chạy bằng nhiên liệu bơm tiêu chuẩn và được thiết kế bằng vật liệu composite nhẹ, mang lại hiệu suất khí động học cao. Jean-Michel Jarre, huyền thoại âm nhạc điện tử, là hành khách đầu tiên được trải nghiệm chuyến bay với AirCar và mô tả cảm giác đó là “như bước ra từ tiểu thuyết của Jules Verne”.

AirCar hướng đến đối tượng khách hàng giàu có và các công ty taxi cao cấp, mở ra kỷ nguyên mới cho phương tiện di chuyển cá nhân. Mức giá dự kiến của AirCar là từ 800.000 đến 1 triệu USD.
Sự kiện ra mắt AirCar không chỉ gây ấn tượng bởi công nghệ mà còn đánh dấu bước tiến lớn trong cuộc đua toàn cầu nhằm hiện thực hóa phương tiện bay cá nhân. Nhiều công ty công nghệ và hàng không lớn đang theo đuổi ý tưởng này, từ Airbus với dự án Vahana, đến các startup như AirSpaceX tại Mỹ hay dự án Elevate của Uber.
Tuy nhiên, hầu hết vẫn đang gặp rào cản về công nghệ pin và pháp lý. Trong khi đó, AirCar lại đi theo hướng khác, sử dụng động cơ đốt trong – một công nghệ đã được kiểm nghiệm qua thời gian – và nhắm đến sự ổn định hơn là đổi mới đột phá.
Zajac tiết lộ, phiên bản kế nhiệm là AirCar 2 đã được lên dây chuyền sản xuất với động cơ mạnh mẽ hơn 300 mã lực, tầm bay lên tới 1.100 km và chuyến bay đầu tiên dự kiến diễn ra vào tháng 9/2025.
Không dừng lại ở đó, Klein Vision còn đang nhắm đến thị trường taxi bay cao cấp, với mô hình hoạt động tương tự Uber và kỳ vọng sẽ thay đổi cách con người di chuyển cả trong thành phố lẫn các vùng xa xôi.

AirCar hứa hẹn mang lại giải pháp di chuyển linh hoạt, giúp người dùng đến đích mà không gặp phải tình trạng kẹt xe hay rắc rối với sân bay thương mại truyền thống.
Tuy nhiên, để đưa AirCar vào sử dụng thực tế trên toàn cầu, vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Việc phê duyệt của các cơ quan quản lý ở mỗi quốc gia sẽ là rào cản lớn.
Chẳng hạn, tại Anh, Cục Hàng không Dân dụng đang đầu tư 20 triệu bảng cho chương trình tích hợp taxi bay vào mạng lưới giao thông vào năm 2028. Bộ trưởng Giao thông Anh tin rằng các chuyến bay có người lái đầu tiên có thể bắt đầu vào năm 2026.
Dù vậy, người sở hữu AirCar sẽ cần phải có cả bằng lái xe lẫn bằng phi công, và cơ sở hạ tầng như đường băng ngắn hay sân đỗ sẽ là yếu tố không thể thiếu để mở rộng phạm vi sử dụng.

Tương lai của ô tô bay đang dần hình thành rõ nét. Theo dự báo của Morgan Stanley, thị trường phương tiện bay cá nhân toàn cầu có thể đạt giá trị 1 nghìn tỷ USD vào năm 2040 và chạm mốc 9 nghìn tỷ USD vào năm 2050 nếu công nghệ phát triển đúng lộ trình.
Dù chưa thể phổ biến ngay trong vài năm tới, nhưng sự xuất hiện của AirCar đang mở ra một kỷ nguyên mới cho giao thông hiện đại, nơi ranh giới giữa mặt đất và bầu trời ngày càng trở nên mờ nhạt.
Như chính lời của kỹ sư Stefan Klein: “Chúng tôi đang đưa thế giới đến gần hơn với khả năng di chuyển theo chiều không gian mới – nơi mà bạn có thể cất cánh chỉ bằng một nút bấm”.
Nguồn tin: https://genk.vn/o-to-bay-dau-tien-tren-the-gioi-chuan-bi-duoc-san-xuat-hang-loat-gia-gan-1-trieu-usd-20250522101227641.chn