Sáng ngày 19/9, Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” đã được tổ chức.
Tại đây, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã phát biểu đề xuất những giải pháp cơ chế, chính sách đột phá giúp doanh nghiệp vượt khó.
Về thuế, tài chính, hỗ trợ lãi vay , bà Lê Hồng Thủy Tiên cho rằng, đã có nhiều kiến nghị và giải pháp kịp thời được đưa ra nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, lãi suất sau 4 lần điều chỉnh đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, cần giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp, cần một cơ quan độc lập đánh giá các hỗ trợ cho doanh nghiệp để điều chỉnh cách hỗ trợ sắp tới cho thiết thực và hiệu quả hơn.
Về dỡ bỏ các rào cản cho doanh nghiệp , IPPG đề xuất rà soát những quy định thiếu thực tế, không đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn khu vực hoặc thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.
Về cơ chế chính sách để phát triển du lịch , theo bà Tiên, giai đoạn hiện nay, các nước trong khu vực đang chạy đua để kích cầu du lịch. Do đó, IPPG đề xuất xem xét ban hành những chính sách đặc biệt nhằm kích cầu du lịch:
” Thứ nhất là chính sách thương mại trong khu phi thuế quan.
Khi nói đến chính sách này, đa số ban ngành đều tránh né vì sợ thất thu thuế, nhưng theo BCG (Boston Consultant Group), trên thế giới đang có hơn 5.383 khu thương mại tự do và khu phi thuế quan, riêng châu Á đã có hơn 4.000 khu, nổi bật nhất là khu Jeju của Hàn Quốc và Đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Các chính sách ưu đãi của họ đã chứng minh chính phủ không thất thu thuế mà còn được lợi vì tăng trưởng đầu tư do khách du lịch đến chữa trị, y tế, mua sắm, giáo dục, vui chơi giải trí. Khách du lịch nội địa được mua 15.000 USD/người/năm. Kết quả là du lịch tăng trưởng 80%, đầu tư FDI và nội địa tăng trưởng 150%, GDP Đảo Hải Nam tăng 4,2% năm 2022.
Chúng tôi đề xuất mô hình Factory Outlet, là trung tâm bán hàng giảm giá trong khu phi thuế quan để thu hút du khách trong và ngoài nước. Nếu mở được ở Việt Nam, đây sẽ là mô hình đầu tiên trong khu vực thu hút và giữ được ngoại tệ cho Việt Nam, góp phần cho du lịch Việt Nam có bước nhảy vọt.
Thứ hai, cửa hàng miễn thuế dưới phố.
Các khu miễn thuế tại trung tâm thành phố sẽ giúp thành phố phát triển thương mại giá trị cao và quảng bá sản phẩm của địa phương tới thị trường quốc tế, tăng thu và thu hút khách du lịch. Ở Hàn Quốc, ngành kinh doanh này đem lại doanh số 16 tỷ USD/năm cho thành phố Seoul. Các công ty du lịch, lữ hành Việt Nam được hưởng hoa hồng từ việc bán hàng miễn thuế, sẽ giải quyết bài toán giảm giá tour, giá vé máy bay, giá khách sạn để cạnh tranh với các tour du lịch trong khu vực.
Với lợi thế phân phối hơn 380 thương hiệu, nếu tạo được điều kiện mặt bằng trung tâm và có chính sách dual price (chính sách 2 giá cho hàng miễn thuế và hàng nội địa), chúng tôi sẽ đầu tư hàng loạt cửa hàng miễn thuế như cửa hàng 3.000m2 đã đầu tư ở thành phố Đà Nẵng đã đem lại rất nhiều du khách cho thành phố Đà Nẵng trong thời gian vừa qua.
Thứ ba, cơ chế chính sách cho trung tâm tài chính.
Từ năm 2016, tập đoàn chúng tôi đã thuê công ty Siemens (Anh Quốc) lập đề án thành lập trung tâm tài chính tại TPHCM và Đà Nẵng. Tại Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM tầm nhìn đến năm 2045 cũng nêu rõ TPHCM sẽ là một trung tâm kinh tế, tài chính của Châu Á.
Đến nay TPHCM đã rất năng động triển khai và đệ trình đề án lên các Bộ, ngành. Có rất nhiều lợi ích cho trung tâm tài chính khi mở tại Việt Nam. Đó là doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được nguồn vốn chi phí hợp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như đào tạo chuyển giao nguồn lực tài chính chất lượng cao cho Việt Nam.
Trung tâm tài chính còn thúc đẩy các ngành liên quan như bất động sản, vui chơi giải trí, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế toàn diện cho thành phố.
Chúng tôi mong Quốc hội quan tâm, sớm ban hành chính sách để TPHCM triển khai trung tâm tài chính, vừa khơi thông dòng vốn, tăng cường nội lực cho doanh nghiệp Việt Nam vừa đánh dấu bước phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường tài chính của thế giới.
Tôi có nghe Tiến sỹ Trần Đình Thương nói: “Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chịu, sống dai nhưng chậm lớn và khó trưởng thành”, tôi rất trăn trở với câu nói này. Không phải doanh nghiệp muốn chậm lớn. Ngoài những doanh nghiệp rất liều, dùng thuốc tăng trọng, lớn nhanh, ngã bệnh thậm chí lăn đùng ra chết yểu thì vẫn có rất nhiều doanh nghiệp chân chính chịu khó đầu tư, tìm tòi, học hỏi, muốn lớn và trưởng thành một cách bài bản nhưng vướng về cơ chế, và thiếu các chính sách mang tính chiến lược bền vững.”