Dự đại hội được tặng quà
Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (mã chứng khoán: CII) vừa cập nhật tình hình đăng ký tham dự
đại hội cổ đông
bất thường năm 2023 vào ngày 19/9.
Cụ thể, tính đến 15h ngày 15/9, CII cho biết số lượng cổ đông đăng ký tham dự đại hội hoặc uỷ quyền tham dự vẫn chưa đại diện đủ trên 50% số cổ phần có quyền biểu quyết, dẫn đến nguy cơ đại hội cổ đông bất thường lần 1 không thể thực hiện được. Do đó, Ban tổ chức đại hội của CII kêu gọi và mong muốn cổ đông hỗ trợ và tham dự.
Trước đó, CII cho biết sẽ có món quà tri ân gửi đến cổ đông có quyền tham dự đại hội cổ đông bất thường năm 2023. Theo đó, nhà đầu tư tham dự trực tiếp sẽ điền thông tin tài khoản vào mặt sau của thư mời và gửi lại ban tổ chức khi làm thủ tục. Cổ đông không tham dự, uỷ quyền cho Trưởng ban kiểm soát tham dự, cổ đông điền thông tin tài khoản vào mặt sau thư mời và chụp hình gửi về cho ban tổ chức.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, để khuyến khích nhà đầu tư tham gia, công ty đã công bố thêm phần quà tri ân nếu nhà đầu tư tham gia đại hội.
Vào ngày 26/4 vừa qua, CII tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên lần 1, nhưng chỉ có gần 46% tổng số cổ phần được quyền biểu quyết tham dự, thấp hơn quy định và không đủ tỷ lệ tối thiểu để tổ chức đại hội.
Đại hội để sửa sai
Trong thư gửi cổ đông mới đây, ông Đỗ Quý Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) – cho biết, việc cổ phiếu HPX bị đình chỉ giao dịch là ngoài ý muốn. Hội đồng quản trị và Ban điều hành HPX gửi tới các cổ đông lời xin lỗi. Công ty mong tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên tới đây là để đưa
cổ phiếu HPX
trở lại giao dịch bình thường trong thời gian sớm nhất, đảm bảo quyền lợi của cổ đông, đồng thời ổn định tình hình kinh doanh của công ty.
Theo đó, ngày 19/9, Hải Phát sẽ chốt danh sách cổ đông. Đại hội cổ đông thường niên 2023 dự kiến tổ chức vào ngày 21/10 tới. Ông Đỗ Quý Hải cho rằng, việc tổ chức thành công đại hội sẽ là mấu chốt giúp công ty khắc phục các vi phạm về công bố thông tin, tạo điều kiện cho việc đề xuất HoSE gỡ lệnh đình chỉ giao dịch.
Tuy nhiên, trong cơ cấu cổ đông HPX, ông Đỗ Quý Hải là cổ đông lớn duy nhất nắm giữ 13,9% vốn điều lệ. Trong khi đó, hơn 260 triệu cổ phần còn lại đang được nắm giữ bởi hàng chục nghìn cổ đông, tương ứng với tỷ lệ gần 86%.
Sau quyết định bị đình chỉ giao dịch từ ngày 18/9, cổ phiếu HPX của lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Hải Phát liên tục bị bán giải chấp. Cụ thể, ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị HPX bị bán giải chấp 1,5 triệu cổ phiếu HPX để giảm sở hữu về còn 13,89% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện vào ngày 14/9.
Cũng trong ngày 14/9, ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc HPX – cũng bị bán giải chấp 480.000 cổ phiếu để giảm sở hữu về còn 0,13% vốn điều lệ. Như vậy, trong ngày 14/9, hai lãnh đạo công ty bị bán giải chấp tổng cộng 1.980.000 cổ phiếu HPX.
Trước đó vào ngày 11/9, Chứng khoán Dầu khí đã thông qua bán giải chấp 1.300.093 cổ phiếu HPX của ông Đỗ Quý Hải và bán giải chấp 480.000 cổ phiếu của ông Lê Thanh Hải. Ngày 12/9, Chứng khoán Kỹ Thương thông qua bán giải chấp 2.674.888 cổ phiếu HPX của ông Đỗ Quý Hải.
Cũng vào ngày 11/9, HoSE quyết định chuyển cổ phiếu HPX từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch, thời gian đình chỉ là từ ngày 18/9. Lý do được HoSE đưa ra là do HPX chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Sau nhiều lần trì hoãn nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, HPX đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với nhiều thay đổi, chuyển từ lãi sang lỗ. Sau kiểm toán, Hải Phát ghi doanh thu giảm 26% so với trước kiểm toán, tương ứng giảm 424 tỷ đồng về 1.634 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 143% so với trước kiểm toán, tức giảm gần 201 tỷ đồng về lỗ 60 tỷ đồng (trước kiểm toán lãi hơn 140 tỷ đồng).
Lý giải lợi nhuận chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán, Hải Phát cho biết do một số khách hàng thay đổi mục tiêu đầu tư và đã thoả thuận với công ty để thanh lý hợp đồng đã mua hàng, nhận chuyển nhượng.
Luỹ kế trong năm 2022, Hải Phát ghi nhận doanh thu giảm 14,6% so với cùng kỳ, về 1.210 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 124,2%, tương ứng giảm 310 tỷ đồng về lỗ hơn 60 tỷ đồng. Với việc ghi nhận lỗ trong năm 2022, tính tới thời điểm 31/12/2022, lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối của Hải Phát còn hơn 154 tỷ đồng.