Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực có kế hoạch chính thức để phát triển kinh tế tuần hoàn. Cam kết của Chính phủ để trở thành một quốc gia không phát thải carbon vào năm 2050 đã được công bố rộng rãi. Đáng chú ý, Quy hoạch Điện VIII cũng vừa đưa ra lộ trình chuyển đổi từ điện than sang các nguồn năng lượng sạch và tái tạo như khí hóa lỏng, điện mặt trời, điện gió.
Tại Diễn đàn Kinh tế Tp.HCM (HEF) 2023 mới đây, các bên tiếp tục tham vấn xoay quanh chủ đề “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không”. Trong đó, khu vực tư nhân được đánh giá là đã và đang đẩy mạnh, đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện sự chuyển đổi này. Nhiều doanh nghiệp lớn, có thể gọi là “sếu đầu đàn” đã có những chia sẻ, cam kết về lộ trình phát triển xanh, bền vững thời gian tới.
Ông Don Lam – Tổng giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital – chia sẻ: “ ESG là một chủ đề nóng ở hầu hết các nước phát triển, và cũng bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn bắt buộc phải áp dụng các tiêu chí ESG cho các khoản đầu tư của họ, có thể do luật qui định (ví dụ như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh Châu Âu (CBAM của EU), tiêu chuẩn Phân loại Xanh của Liên minh Châu Âu, hay Đạo luật Cạnh tranh Sạch của Mỹ) hoặc yêu cầu từ các cổ đông của họ. Họ có những mục tiêu và chỉ tiêu ESG nội bộ cần phải đáp ứng.
Hơn nữa, người tiêu dùng ngày càng muốn tiêu thụ sản phẩm từ các công ty phát triển bền vững và minh bạch. Điều này tạo ra một cơ hội lớn cho Việt Nam và các công ty trong nước hiểu được tầm quan trọng của ESG, từ đó thực hiện những điều chỉnh phù hợp với doanh nghiệp để gia tăng lợi thế cạnh tranh ”.
Tại VinaCapital, ông Don Lam nhấn mạnh Tập đoàn đang hợp tác để xây dựng nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) Long An cùng với Tập đoàn GS Energy của Hàn Quốc, mục tiêu cung cấp điện cho toàn bộ khu vực miền Nam. VinaCapital cũng đã đầu tư đáng kể vào năng lượng mặt trời, thông qua việc hợp tác với EDF Renewables thành lập công ty SkyX. Hiện, SkyX đang phát triển và vận hành hơn 100 MW năng lượng sạch tại hơn 40 nhà máy và khu công nghiệp trên khắp Việt Nam, giúp giảm phát thải hơn 90.000 tấn carbon mỗi năm.
Ngoài ra, VinaCapital vừa công bố báo cáo ESG đầu tiên, cũng như thành lập một quỹ đánh giá tác động khí hậu VinaCarbon (VinaCarbon Climate Impact Fund). Trong đó, Quỹ VinaCarbon sẽ đầu tư vào các công ty và dự án có thể tạo ra các tín chỉ carbon. Một tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn khí thải nhà kính được cắt giảm….
Ông Han Sang Deog, Phó Tổng Giám đốc điều hành Samsung Engineering Việt Nam, cho biết từ lâu đã quan tâmxem xét đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải và đốt rác phát điện tại Việt Nam. Công ty này cũng đề xuất chiến lược mang tên “Tổ hợp môi trường tích hợp”. Đây là khu phức hợp môi trường kinh tế tuần hoàn, gồm cả xử lý nước, chất thải và khí sinh học, sử dụng năng lượng tự sản xuất mà không cần sử dụng đến nguồn năng lượng bên ngoài.
Theo ông Han Sang Deog, từ giai đoạn lập kế hoạch, các cơ quan liên quan và Samsung cần làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp tối ưu. “Khi nhận được sự hỗ trợ về chính sách từ chính phủ, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ chuỗi giá trị dựa trên việc giới thiệu, ứng dụng công nghệ, thực hiện đầu tư và cung cấp giải pháp cấu trúc tài chính, thiết kế, thi công và quản lý vận hành” , ông cho biết.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Cơ điện lạnh REE cũng cho rằng Tp.HCM chưa theo kịp nhu cầu nền kinh tế tuần hoàn và kỳ vọng các dự án của Công ty tại đây được xem xét nhanh hơn. Theo đó, REE đang chờ đến 18 tháng mới có thể xác định địa điểm cho nhà máy đốt rác lấy điện công suất 2.000 tấn mỗi ngày. Công ty kỳ vọng có thể đầu tư điện mặt trời trên tất cả mái nhà công sở, trường học, bán điện cho thành phố như giá điện lực.
Hay Nestlé đã sản xuất gạch và phân bón từ các phế phẩm và vật liệu lộp mái nhà từ hộp sữa. Heineken Việt Nam tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% rác thải hoặc sản phẩm phụ của quá trình sản xuất bia. Unilever Việt Nam đã thực hiện một chương trình thu gom và tái chế bao bì nhựa….
Nhìn chung, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự hợp tác và tham gia của tất cả các bên liên quan – bởi vì không có một bên nào có tất cả câu trả lời. Đại diện Tp.HCM cũng có một số nhóm vấn đề lớn rất cần đề xuất của các chuyên gia, doanh nghiệp, bao gồm:
Một, chuyển đổi năng lượng . Hiện mỗi ngày nơi đây tiêu thụ khoảng 90 triệu kWh, nguồn cung chủ yếu từ bên ngoài và nhiệt điện, điện sạch chỉ 7,6%. Mục tiêu Tp.HCM đến 2025 đạt 25% và 2030 đạt 35-40% điện sạch.
Hai, giao thông xanh. Hệ thống giao thông nội đô đang bị chi phối bởi phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy. TP HCM có 777 xe máy và 81 ôtô trên 1.000 dân vào 2019 và vấn đề là cần giảm phương tiện cá nhân.
Ba, xử lý rác thải, nước thải. Hàng ngày, Tp.HCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn, rác sinh hoạt bình quân 0,98 kg mỗi người một ngày.