Công việc hấp dẫn có thu nhập cao
Nghề phi công hào nhoáng, lương cao, được đi du lịch nhiều… là những lý do thường thấy khiến nhiều người ấp ủ ước mơ được một lần khoác lên chiếc áo ngành, bắt đầu hành trình chinh phục bầu trời. Đây cũng được xem là một trong những ngành nghề hot nhất tại Việt Nam và cả ở thế giới.
Theo nghiên cứu mới nhất của công ty tư vấn Oliver Wyman, do nhu cầu đi lại tăng mạnh sau đại dịch, ngành hàng không dự kiến sẽ thiếu hụt 34.000 phi công trên toàn cầu vào năm 2025. Con số này có thể tăng lên 50.000 trong trường hợp nhiều phi công đến tuổi nghỉ hưu hoặc không muốn tiếp tục công việc.
Theo Cục Hàng không Việt Nam ước tính, số máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ tăng từ hơn 200 chiếc hiện tại lên khoảng hơn 360 chiếc vào năm 2023. Hãng Boeing tính toán với mỗi tàu bay mới cần khoảng 14 phi công để khai thác, Việt Nam sẽ cần thêm hơn 1.900 phi công đến năm 2023, tương đương hơn 400 phi công mỗi năm.
Để thu hút nhân tài cho đội bay, nhiều hãng hàng không trên khắp thế giới liên tục “tung ra” các đãi ngộ lớn như lương cao, phúc lợi dồi dào. Tại Nhật Bản, mức thu nhập bình quân hàng tháng của nghề phi công xếp hạng cao nhất năm 2020, đạt tới 1.285.400 JPY (tương đương 210 triệu VNĐ).
Đối với hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản All Nippon Airways (ANA), mức lương trung bình cho phi công là 94.282 USD/năm (tương đương 13.932.522 JPY), còn cơ trưởng giàu kinh nghiệm là 218.000 USD/năm (tương đương 32.214.950 JPY).
*Số liệu dành cho nam và nữ / Nguồn: Khảo sát thống kê cơ bản về cơ cấu tiền lương năm 2020 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản
Tại Việt Nam, trong báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, năm 2022 Vietnam Airlines có 6.028 lao động, tổng quỹ lương theo đơn giá gần 1.689 tỷ đồng. Mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 85 triệu đồng/tháng. Mặc dù số lượng phi công Việt Nam (829 người) chỉ chiếm 18,8% số lao động do hãng trả lương, nhưng chiếm 50% tổng quỹ tiền lương theo đơn giá.
Nghề phi công làm những công việc gì?
Khác với suy nghĩ của khá nhiều người cho rằng phi công chỉ có nhiệm vụ ngồi trong buồng lái và điều khiển máy bay. Trên thực tế, công việc của họ tổng quát hơn rất nhiều. Ngay từ trước khi cất cánh, phi công đã cần lập kế hoạch bay để nộp lên trên.
Sau đó, họ tiến hành một số quy trình kiểm tra quan trọng như thời tiết, tình trạng phi cơ, nhiên liệu, trọng lượng hành khách, khối lượng và số lượng hàng hóa được vận chuyển trong chuyến bay, các thiết bị điều khiển máy bay, đặc biệt đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trước chuyến bay đối với việc kiểm tra và bảo dưỡng các thiết bị diễn ra hoàn tất.
Bắt đầu quá trình bay, phi công phải giám sát các thiết bị của máy bay và tất cả liên lạc vô tuyến. Họ sử dụng tất cả những dữ liệu nhận được để đánh giá và phát hiện bất cứ vấn đề nào có khả năng ảnh hưởng đến phi cơ.
Các phi công cần liên tục duy trì liên lạc với đài kiểm soát không lưu để tiếp nhận và tuân theo những chỉ dẫn về cất hạ cánh an toàn trên đường băng được chỉ định. Họ cũng là người giám sát tất cả nhân viên trong khoang máy bay và buồng lái. Nếu có bất cứ bất thường nào, họ cần nhanh chóng báo cho bộ phận dưới mặt đất để cùng phân tích tình huống và đưa ra những điều chỉnh kịp thời.
Đối với khách hàng, phi công cũng là người thực hiện việc thông báo, chỉ dẫn đối với các hàng khách trên chuyến bay với các thông tin cụ thể về thời gian bay, thời gian hạ cánh, các lưu ý đối với hành khách khi tham gia chuyến bay, tình hình thời tiết trong chuyến bay như thế nào… Từ đó, các hàng khách được đảm bảo nắm đầy đủ thông tin cụ thể về hành trình bay, giúp việc phối hợp của các hành khách trên chuyến bay đối với các cán bộ nhân viên thực hiện được diễn ra thuận lợi hơn.
Tuyển chọn nghiêm ngặt: Cả thể chất, kỹ năng và tinh thần
Cơ hội việc làm rộng mở và mức thu nhập cao khiến phi công trở thành nghề nghiệp mơ ước của rất nhiều người. Tuy vậy, để chính thức khoác lên đồng phục ngành, ai cũng phải trải qua khâu tuyển chọn và đào tạo vô cùng khắt khe, nghiêm ngặt về cả thể chất, tinh thần và kỹ năng.
Tại một số trường đào tạo, học viên phải trải qua phần Thi tuyển đầu vào, Huấn luyện lý thuyết ATP, Huấn luyện bay, Huấn luyện bay phối hợp tổ lái nhiều thành viên (MCC). Ngoài ra còn có Huấn luyện quân sự (Yêu cầu riêng của Vietnam Airlines) và Huấn luyện sau cơ bản (tại Hãng), trong đó bao gồm Huấn luyện chuyển loại, Huấn luyện bay tại sân (Base training) và bay kèm có chở khách (line training).
Chỉ riêng phần thi tuyển đầu vào, thí sinh thường phải kiểm tra trình độ tiếng Anh (hoặc ngoại ngữ khác tùy thuộc vào vùng quốc gia, lãnh thổ mà hãng hoạt động chính), cùng với đánh giá sự thích ứng, tố chất, năng khiếu bay và tiềm năng phát triển trong nghề phi công.
Sau chương trình phi công cơ bản, học viên còn phải tích lũy kinh nghiệm hàng nghìn giờ bay ở cương vị lái phụ, sau đó mới trở thành lái chính. Đến khi đã trở thành phi công chính thức, để giữ được bằng lái, mỗi năm các phi công phải trải qua từ 1 đến 2 đợt khám sức khỏe và các kỳ thi chuyên môn.
Yêu cầu độ tuổi cho nghề phi công cũng được giới hạn rõ ràng. Thông thường, các hãng chỉ tuyển dụng học viên từ 18-35 tuổi, chiều cao và cân nặng với nam là từ 1m65/54kg, với nữ là từ 1m60/48kg trở lên. Tiêu chuẩn sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn sức khỏe loại 1 đối với phi công dân dụng của Cục Hàng không Việt Nam.
(Tổng hợp)