Vào năm cuối sự nghiệp 2024, Rafael Nadal có thể kiếm thêm 150 triệu USD nếu ký mới hợp đồng với Nike, nhưng bất ngờ từ bỏ để hợp tác với một thương hiệu kém danh tiếng hơn.
Nadal đánh trái tay ở chung kết Wimbledon 2008 với Federer tại tổ hợp All England Club, London, Anh. Ảnh: Reuters
Báo Essentially Sports gọi quyết định của Nadal là “một cú quay lưng”. Giới chuyên môn còn sốc hơn khi biết Nadal lựa chọn hãng giày Hoka của Pháp, thay vì một “ông lớn” khác có vị thế tương đương Nike. Hoka chuyên sản xuất giày chạy bộ, giày cho người lớn tuổi và thậm chí chưa có dòng riêng cho quần vợt.
Trước khi lựa chọn Hoka, Nadal có hơn hai thập kỷ hợp tác với Nike, từ khi anh mới 12 tuổi. Hãng thể thao Mỹ trao cho Nadal bản hợp đồng đầu tiên vào năm 1998, trị giá 500.000 USD, kéo dài trong 5 năm. Đây là một trong những vụ đầu tư vào tài năng trẻ thành công nhất lịch sử thể thao, khi Nadal sớm gặt hái những danh hiệu cao quý ở tuổi teen.
Năm 2008, Nike ký với Nadal hợp đồng 10 triệu USD/năm, kéo dài 10 năm. Tới 2018, hợp đồng có giá trị tương tự được ký và có thời hạn 5 năm. Nadal đã bỏ túi gần 200 triệu USD từ các hợp đồng với Nike trong suốt sự nghiệp dài và đầy vinh quang.
Hợp đồng của Nadal với Nike cũng tương tự Roger Federer. Tuy nhiên, huyền thoại Thụy Sĩ chấm dứt với gã khổng lồ Mỹ vào 2018, khi có tin Nike không nhượng bộ một số điều khoản. Federer sau đó ký 30 triệu USD mỗi năm kéo dài 10 năm với hãng quần áo Uniqlo của Nhật Bản. Hợp đồng sẽ hết vào 2028 khi Federer 46 tuổi. Điều đó đồng nghĩa Uniqlo xem Federer là gương mặt đại diện bất kể còn thi đấu hay không.
Khi mặc trang phục của Uniqlo, Federer vẫn có thêm 2 năm thi đấu đỉnh cao, đoạt nhiều danh hiệu lớn, bao gồm cả Grand Slam. Sau đó anh dính nhiều chấn thương và chính thức giải nghệ vào 2022. Nhưng thỏa thuận này của Federer với Uniqlo không liên quan tới giày và anh thoải mái ký với một hãng giày mới – Swisse On Running. Để chốt hợp đồng, công ty Thụy Sĩ trao 3% cổ phần cho Federer. Số cổ phần đó hiện có giá không dưới 300 triệu USD.
Cùng là quay lưng với Nike, nhưng trong khi Nadal chỉ kiếm được rất ít, thì Federer có thể bỏ túi thêm 600 triệu USD từ các đối tác mới. Điều mà nhiều người thắc mắc là tại sao một hãng giày “ngách” nhỏ bé như Hoka lại thuyết phục được Nadal.
Rafael Nadal – sự vĩ đại trong hình hài con người
Sự vĩ đại của Nadal.
Câu trả lời được chính người trong cuộc đưa ra. Nadal không còn cần một nhà tài trợ nữa, thứ anh cần là một đối tác đồng hành xử lý các vấn đề sức khỏe liên quan tới bàn chân. Nadal vốn bị hội chứng thoái hóa xương bàn chân hiếm gặp – Muller-Weiss. Sau nhiều năm chinh chiến, bàn chân anh bị tổn thương nặng nề. Nike dĩ nhiên đã tạo ra các sản phẩm đặc biệt phục vụ Nadal, nhưng nó không còn đủ khi Nadal giải nghệ, và cần hòa nhập với cuộc sống bình thường theo một cách khác.
Tay vợt người Tây Ban Nha từng tiết lộ có lúc anh không thể lên xuống cầu thang như người bình thường, việc chơi bóng với lũ trẻ cũng gặp khó khăn do các tổn thương mãn tính ở chân. Hoka, công ty chuyên giày chạy bộ ra đời năm 2009, thì rất giỏi trong việc tạo ra các dòng giày tối ưu hóa sức khỏe bàn chân. Thậm chí Hoka có triết lý thiết kế ngược với các hãng giày khác. Họ cho ra mắt các dòng giày có đế giữa quá khổ, được gọi là “giày tối đa”, ở giai đoạn đầu phát triển, trong khi xu hướng tối giản đang phổ biến vào lúc đó.
Hoka có thị trường ngách của riêng họ, và không thực sự cần Nadal để mở rộng kinh doanh. Khách hàng của Hoka chủ yếu là các chân chạy chuyên nghiệp và VĐV ba môn phối hợp. Điều công ty này muốn là phục vụ Nadal di chuyển tốt hơn trong cuộc sống. Các sản phẩm của Hoka có hình thù đặc biệt nhưng rất hiệu quả. Với đôi Hoka trên chân, Nadal thậm chí có thể leo núi với cảm giác thoải mái.
Hàng loạt công nghệ siêu êm hay giảm chấn của Hoka gây ấn tượng cho Nadal. Với “Vua đất nện”, đây không còn là chuyện thời trang hay tiền bạc, mà là cách quản lý những cơn đau – thứ khiến chất lượng cuộc sống của anh giảm sút trong hàng thập kỷ.
Nadal đánh thuận tay trong trận gặp Zverev, ở vòng một Roland Garros 2024 trên sân Philippe Chatrier, Paris, Pháp. Ảnh: Reuters
Cổ phiếu của Nike đã giảm 11% sau khi họ thất bại trong việc thuyết phục Nadal ở lại. Hãng sẽ tiếp tục bán các sản phẩm lừng danh của Nadal tới tháng 8 năm nay và hiện đã hạ giá một số dòng. Nike cho biết đó là lời tri ân tới Nadal và CĐV của anh. Thương hiệu hàng đầu thế giới không đổ lỗi, không bào chữa và không chỉ trích. Thậm chí Nike đã thay avatar thành logo đầu bò nổi tiếng của Nadal để vinh danh một trong những biểu tượng vĩ đại nhất lịch sử thể thao.
Khi Nadal trở thành tay vợt đầu tiên cán mốc 21 Grand Slam ở Australia Mở rộng 2022, Nike đã đăng hình ảnh đại sứ của họ trên tấm biển quảng cáo lớn nhất ở quảng trường Thời đại, New Yok, kèm dòng chữ: “Advantage, Nadal” (Lợi thế cho Nadal) để cổ vũ anh trong cuộc đua Grand Slam với Novak Djokovic và Federer.
Nike và Nadal được xem là chuyện tình đẹp nhất về mối quan hệ tài trợ cá nhân trong quần vợt. “Nhưng ngay cả những mối quan hệ hoàn hảo nhất cũng có hạn sử dụng”, kênh Fox Sports bình luận.
Vy Anh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nadal-va-vu-quay-lung-voi-150-trieu-usd-cua-nike-4879013.html