
Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển năng động với tầm nhìn chiến lược rõ ràng. Theo trang IntelligentCIO, Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. “Dải đất hình chữ S” đang từng bước định vị trở thành một nhân tố chính trong các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) và đặc biệt là ngành bán dẫn – xương sống của cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu.
Không chỉ sở hữu nguồn nhân lực chất lượng, Việt Nam còn đang tiến hành những cải cách mạnh mẽ về luật pháp và chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Từ góc nhìn quốc tế, các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực tạo lập hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh, từ đào tạo kỹ sư đến sản xuất chip.
Tuy nhiên, Việt Nam không đơn độc trong hành trình này. Thái Lan và Singapore cũng đang đẩy mạnh chiến lược riêng nhằm chiếm lĩnh vị thế đầu tàu khu vực. Cuộc cạnh tranh giành vai trò trung tâm bán dẫn Đông Nam Á đã bắt đầu, và Việt Nam phải khẩn trương và khéo léo nếu muốn dẫn đầu đường đua.
Để tiến xa trong lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam không thể chỉ dựa vào ưu đãi chính sách hay chi phí lao động: cốt lõi nằm ở tri thức và hệ sinh thái. Việc phổ cập hiểu biết, thúc đẩy cộng đồng công nghệ tiếp cận kiến thức nền tảng và chuyên sâu về ngành bán dẫn là điều tối quan trọng. Chính trong bối cảnh đó, webinar “Khai mở kiến thức về hệ sinh thái bán dẫn” do Visemi tổ chức đóng vai trò của một cầu nối tri thức và chiến lược phát triển.

Phiên webinar sẽ được chiếu trực tiếp trên kênh YouTube của Visemi, vào lúc 10h00 ngày Chủ nhật, 27/4/2024 (theo giờ Việt Nam), và sẽ quy tụ ba tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và nghiên cứu bán dẫn.
Người đầu tiên là một trong những gương mặt tiên phong trong lĩnh vực quang tử học, Tiến sĩ Minh Trần hiện là Phó Chủ tịch Nghiên cứu tại Nexus Photonics – công ty công nghệ cao của Hoa Kỳ chuyên về chip quang tử. Tốt nghiệp Đại học Tokyo và hoàn thành chương trình tiến sĩ tại UC Santa Barbara, anh đã có những đóng góp nổi bật trong mạch quang tử tích hợp, sở hữu nhiều bằng sáng chế và công bố khoa học trên các tạp chí danh tiếng như Nature và Science. Tầm ảnh hưởng của anh vượt ra khỏi phòng thí nghiệm, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng nghiên cứu công nghệ cao.

Cá nhân thứ hai hiện đang làm việc tại Hàn Quốc trong vai trò Kỹ sư phát triển sản phẩm tại Samsung. Anh Dương Minh Tiến là chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và phát triển lưới bóng bán dẫn (FCBGA substrate) cho các dòng chip hiệu năng cao, từ AI đến automotive. Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh và RMIT (Australia) theo chương trình học giả của Intel Scholar, anh từng là Trưởng phòng kỹ thuật tại Intel Products Vietnam, chuyên sâu về kỹ thuật đóng gói CPU và chipset. Hành trình của anh là hình mẫu cho thế hệ kỹ sư trẻ Việt Nam đang vươn ra thế giới.

Và với hơn một thập kỷ gắn bó cùng ngành bán dẫn tại Silicon Valley, Tiến sĩ Công Trịnh hiện là Quản lý cấp cao tại Applied Materials – tập đoàn hàng đầu về công nghệ vật liệu. Tốt nghiệp Tiến sĩ Hóa học tại Đại học USC, California, anh là chuyên gia trong phát triển quy trình màng mỏng (CVD) và lắng đọng lớp nguyên tử (ALD). Anh đã sở hữu hơn 20 bằng sáng chế, đồng thời nổi bật với tư duy chiến lược, sự nhạy bén trong nghiên cứu ứng dụng và niềm đam mê đào tạo thế hệ kế cận trong ngành công nghệ cao.

Không chỉ là sân chơi tri thức, webinar lần này được kỳ vọng sẽ khơi mở tư duy hệ sinh thái – từ thiết kế, sản xuất, kiểm thử đến phát triển nhân lực, qua đó đặt nền móng cho hệ sinh thái bán dẫn nội địa bền vững. Qua những câu chuyện, phân tích và chia sẻ thực tiễn, người xem sẽ có được cái nhìn sâu rộng về tiềm năng, thách thức và cách Việt Nam có thể đi tắt đón đầu trong một ngành công nghiệp giá trị cao và giàu tiềm năng.
Theo số liệu từ Statista Market Insights, ngành bán dẫn Việt Nam được dự báo sẽ đạt doanh thu 18,23 tỷ USD trong năm 2024 và có thể tăng trưởng lên 31,39 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ấn tượng ở mức 11,48%. Đây là minh chứng rõ ràng cho một giai đoạn bùng nổ sắp tới.
Việt Nam đã đặt nền móng bằng Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, với mục tiêu tạo ra ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, xây dựng một nhà máy chế tạo chip quy mô nhỏ và thiết lập 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn.
Theo đó, sự phát triển ngành bán dẫn Việt Nam dựa trên bốn yếu tố: sản xuất chip chuyên dụng, tăng trưởng ngành điện tử/công nghiệp điện tử, xây dựng đội ngũ kỹ sư bán dẫn tài năng và kiến tạo Việt Nam trở thành điểm đến an toàn mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu về bán dẫn.

GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ, nhìn nhận: “Nhờ những nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi với chính sách ưu đãi thuế, các chương trình thúc đẩy đầu tư, chi phí lao động cạnh tranh và sự ổn định địa chính trị, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ cho ngành bán dẫn mà còn cho nhiều doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các tập đoàn sản xuất điện tử. Đây chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam từng bước phát triển trong ngành bán dẫn”.
Cũng theo ông, với vai trò là thành viên của các hiệp định thương mại lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để mở rộng thị trường và tăng cường hoạt động thương mại với các nền kinh tế lớn. Điều này không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh mà còn củng cố triển vọng tăng trưởng của ngành bán dẫn trong tương lai.
Từ một quốc gia chuyên lắp ráp, Việt Nam đang từng bước vươn lên làm chủ khâu thiết kế và đóng gói. Với sự cộng hưởng từ chiến lược quốc gia, tri thức chuyên môn và tinh thần khai phóng, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ tiến vào thời kỳ khởi sắc mới.

Nguồn tin: https://genk.vn/webinar-dau-tien-giup-chung-ta-hieu-dung-hieu-sau-hieu-chat-ve-nganh-ban-dan-2025042216063475.chn