Nội dung chính:
- – Chuối và sầu riêng của Hoàng Anh Gia Lai vẫn xuất khẩu bình thường sang Trung Quốc do hầu hết vùng trồng của công ty đã được cấp mã chính ngạch.
- – Sầu riêng cơ bản đã thu hoạch xong, trong khi chuối vẫn đều đặn từ 20 – 25 container mỗi ngày.
- – Vấn đề các loại trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc bị “tuýt còi” có thể do vùng trồng.
Ngày 10/9/2023, hàng trăm container chuối, mít, sầu riêng bất ngờ nhận được thông báo tạm dừng xuất khẩu. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến từ nhiều tỉnh như Gia Lai, Đồng Nai, Đăk Lăk, Tây Ninh, Bình Thuận…
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – HoSE: HAG) cho biết việc xuất khẩu của công ty vẫn đang tiến hành bình thường.
“Chúng tôi không gặp bất kỳ vấn đề gì về việc xuất khẩu sang Trung Quốc” – ông Đức khẳng định.
HAGL hiện đang là doanh nghiệp có diện tích vùng trống lớn nhất Việt Nam với quy mô khoảng 7.000 ha chuối và 1.000 ha sầu riêng. Hầu hết trái cây của công ty đều được xuất khẩu sang Trung Quốc từ Cảng Sài Gòn. Với diện tích vùng trồng tại Lào, HAGL xuất khẩu theo C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) của nước này.
HAGL cơ bản đã thu hoạch xong sầu riêng và xuất khẩu không đáng kể loại trái cây này. Đây cũng là mùa sầu riêng đầu tiên của công ty.
Riêng chuối, mỗi ngày HAGL xuất khẩu từ 20 đến 25 container. Chuối của HAGL phần lớn để xuất khẩu, một phần còn lại, hình thức không đảm bảo được công ty sử dụng làm thức ăn cho heo.
Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết hiện tại hầu hết diện tích trồng trái cây của HAGL đã được cấp mã vùng trồng, là tiêu chí quan trọng để có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thông thường, những bất trắc xảy ra khi xuất khẩu sang quốc gia láng giềng là do mã vùng trồng, ông Đức nhận định.
Sầu riêng, chuối và mít (ba loại trái cây trong các container bị “tuýt còi” ngày 10/9) thuộc danh sách trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc luôn yêu cầu các loại trái cây xuất khẩu phải được thu hoạch từ những vùng trồng được cấp mã nhằm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Trên mỗi hộp hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải in bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc tên vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký…