Ngày 28/10/2015, Công ty TNHH Apple Việt Nam (Apple Vietnam LLC) được thành lập, đánh dấu sự hiện diện chính thức của Apple tại Việt Nam.
Chủ sở hữu của Apple Việt Nam là Apple Operations International (AOI), địa chỉ trụ sở chính tại Hollyhill Industrial Estate, Hollyhill, Cork, Ireland, là một thành viên của công ty mẹ tại Mỹ.
8 năm qua, từ số vốn điều lệ 15 tỷ đồng đăng ký ban đầu, Apple Việt Nam chưa từng đăng ký thay đổi vốn góp. Tuy nhiên, quy mô tài sản của công ty có sự cách biệt rất lớn so với con số 15 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính (kiểm toán) của các doanh nghiệp niêm yết có hoạt động mua hàng của Apple Việt Nam bao gồm: Thế giới di động (MWG), CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT), CTCP Thế giới số (DGW) đã hé lộ khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng mà Apple Việt Nam cho các DN này nợ trong những năm qua.
Tại thời điểm 30/6/2023, chỉ riêng 3 ông lớn nêu trên đã chiếm dụng lên tới
1.854 tỷ đồng
của Apple Việt Nam, nằm tại các khoản phải trả người bán được thuyết minh trong BCTC.
Con số này đã giảm tới hơn 73% so với hồi đầu năm nay, khi tổng các khoản phải trả Apple Việt Nam của 3 DN trên đạt mức kỷ lục, lên tới
3.221,6 tỷ đồng
tại ngày 31/12/2022.
Cuối năm 2020, MWG, FRT mới nợ Apple VN lần lượt 173 tỷ đồng, 699 tỷ đồng còn DGW không diễn giải chi tiết.
Chỉ sau đó 1 năm, vào 31/12/2021, tổng các khoản phải trả của MWG, FRT và DGW với Apple Việt Nam đã cán mốc gần
2.392 tỷ đồng
, tương ứng tăng hơn 100%.
Diễn biến tăng các phải phải trả nhà cung cấp thường đi cùng với việc tăng doanh thu tiêu thụ sản phẩm từ các nhà bán lẻ.
Điều này được minh chứng bởi tốc độ tăng trưởng doanh thu đối với sản phẩm Apple tại thị trường Việt nói chung và các hệ thống bán lẻ nói riêng.
Năm 2020, doanh thu sản phẩm Apple tại Thế giới di động đạt khoảng 350 triệu USD, năm 2021 tăng lên 450 triệu USD (theo Vneconomy).
Tiềm năng tăng trưởng các sản phẩm của Apple đã khiến Thế giới di động quyết định thành lập TopZone – cửa hàng chuyên bán các sản phẩm Apple vào tháng 10/2021.
Chỉ một năm sau, TopZone đã mang về hơn
2.600 tỷ đồng
doanh thu cho MWG, tương đương trung bình
216 tỷ đồng
/tháng, với hệ thống 100 cửa hàng.
Cùng với sự thành công của TopZone, báo cáo của MWG cho biết, tổng doanh thu sản phẩm Apple trên toàn hệ thống TGDĐ/Điện máy xanh trong năm 2022 cũng tăng trưởng khoảng 40% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, trả lời truyền thông, đại diện của hệ thống bán lẻ FPT Shop cũng thừa nhận giai đoạn 2019-2022 mức tăng trưởng mạnh mẽ của Apple tại Việt Nam tính bằng lần bất chấp cả thời điểm khó khăn về dịch bệnh. Việt Nam trở hành một trong những thị trường mới nổi và rất tiềm năng để phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Ngoài MWG hay FRT, trên thị trường còn nhiều nhà bán lẻ là đại lý chính thức của Apple như CellphoneS, Di động Việt,…
Về phía Apple, Giám đốc Điều hành Tim Cook của hãng trong một cuộc họp công bố doanh số quý II/2022 đã cho biết:
“
Chúng tôi lập kỷ lục doanh số trong quý II/2022 ở các thị trường đang phát triển và mới nổi như Brazil, Indonesia và Việt Nam với mức tăng trưởng mạnh hai chữ số
”, Tim Cook nói.
Ngoài ra, Giám đốc Điều hành Apple cũng cho rằng nhóm thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam là động lực giúp công ty tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Ngày 18/5/2023, cửa hàng trực tuyến đầu tiên của Apple tại Việt Nam đã chính thức mở bán, đánh dấu bước thâm nhập sâu hơn của hãng táo khuyết vào thị trường nước ta.
Văn phòng Apple Việt Nam
được đặt tại phòng 901, Deutsches Haus, số 33, đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh.Khi mới thành lập, Tổng giám đốc của Apple Việt Nam là ông Gene Daniel Levoff, khi đó đang giữ vai trò Phó chủ tịch phụ trách pháp lý Tập đoàn Apple, giám đốc phụ trách các hoạt động của Apple tại nước ngoài thuộc Apple Operations International.
Tháng 8/2017, theo thông tin thay đổi ĐKKD, ông Peter Ronald Denwood thay ông Daniel Levoff là người đại diện pháp luật và TGĐ của Apple Việt Nam.
Hiện tại, công ty có
2 người đại diện pháp luật
là Tổng Giám đốc Peter Ronald Denwood, quốc tịch Mỹ và bà Võ Ngọc Thúy An – Phó Tổng giám đốc.