Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBRT) ngày 17/4 gây bất ngờ khi tăng lãi suất mua lại (repo) kỳ hạn 7 ngày – lãi suất cơ bản tại nước này – từ mức 42,5% lên 46%. Với động thái này, Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt bất ổn do chính sách thuế quan của Mỹ và căng thẳng chính trị dẫn tới làn sóng rút vốn của nhà đầu tư sau vụ bắt giữ thị trưởng thành phố Istanbul Ekrem Imamoglu hồi tháng 3. Ông Imamoglu là người được đảng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ đề cử làm ứng viên tổng thống cho cuộc bầu cử năm 2028.
Trong thông cáo về quyết định tăng lãi suất, Ủy ban Chính sách Tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tác động tiềm ẩn từ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trong hoạt động thương mại toàn cầu tới quá trình giảm lạm phát là một nguyên nhân khiến CBRT quyết định chấm dứt chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ được duy trì cho tới khi giá cả được bình ổn thông qua việc giảm lạm phát ổn định”, hãng tin CNBC dẫn thông cáo của Ủy ban Chính sách Tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong tháng 3, lạm phát của tại Thổ Nhĩ Kỳ là 38,1%. Việc tăng lãi suất diễn ra trong bối cảnh đồng lira sụt mạnh sau vụ bắt giữ ông Imamoglu ngày 19/3, buộc chính phủ phải chi 25 tỷ USD để bảo vệ đồng nội tệ. Sau vụ bắt giữ, đồng lira có thời điểm giao dịch ở mức thấp kỷ lục hơn 40 lira đổi 1 USD. Ngày 20/3, đồng lira sụt quá mạnh khiến CBRT thực hiện một đợt tăng lãi suất khẩn cấp 2 điểm phần trăm, đưa lãi suất cho vay qua đêm lên 46%.
Thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu lao dốc mạnh sau tin tức về các vụ bắt giữ, buộc Chính phủ phải can thiệp bằng việc cấm bán khống và nới lỏng quy định mua lại cổ phiếu vào ngày 23/3 để ngăn chặn đà bán tháo.
Do đó, theo ông Brad Bechtel, giám đốc toàn cầu về ngoại hối tại công ty Jefferies, việc tăng lãi suất ngày 17/4 của CBRT chủ yếu là sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật sau những động thái đã thực hiện hồi tháng 3.
“Chúng ta hãy chờ xem Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan sẽ nói gì về động thái của ngân hàng trung ương. Nhưng thực tế thì đến nay CBRT đã làm khá tốt trong việc điều hướng những ồn ào chính trị trong cuộc chiến chống lạm phát của mình”, ông Bechtel nhận xét.
Theo ông Nicholas Farr, nhà kinh tế khu vực châu Âu mới nổi tại công ty Capital Economics, động thái của CBRT “sẽ chính thức hóa việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã được thực hiện vào tháng trước và cho thấy các nhà hoạch định chính sách đã quan ngại hơn về rủi ro lạm phát”.
“Thông cáo của ủy ban chính sách tiền tệ đã nhấn mạnh rủi ro từ việc đồng lira suy yếu và các nhà hoạch định chính sách sẽ theo dõi sát sao dòng vốn trong bối cảnh bất ổn liên quan tới chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ”, ông Farr nhận định trong một báo cáo ngày 17/4.
Các nhà phân tích tại Capital Economics đánh giá lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm xuống trong những tháng tới và CBRT nhiều khả năng sẽ không tiếp tục thắt chặt chính sách.
“Những rõ ràng là chu kỳ nới lỏng của CBRT đã gặp rào cản lớn và có thể mất một thời gian nữa chua kỳ nới lỏng mới có thể bắt đầu lại. Chúng tôi dự báo lãi suất repo kỳ hạn 7 ngày vào cuối năm nay ở mức 40%, tăng từ dự báo 35% trước đó, báo cáo của Capital Economics nêu rõ.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/lam-phat-gan-40-tho-nhi-ky-tang-lai-suat-len-gan-50.htm