Ngày 15/4, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cùng đoàn công tác đã trực tiếp khảo sát thực địa khu vực bờ kênh Đôi, rạch Xóm Củi và các khu đất dự kiến xây dựng nhà ở tái định cư cho đề án chỉnh trang đô thị, khu vực nhà ở trên, ven kênh, rạch tại Quận 8.
QUẬN 8 CẦN HƠN 105.000 TỶ ĐỒNG DI DỜI GẦN 15.000 NHÀ VEN KÊNH, RẠCH
Quận 8 được xem là địa phương thí điểm các cơ chế, chính sách để TP. Hồ Chí Minh từng bước triển khai đề án di dời toàn bộ nhà ở trên và ven sông, kênh, rạch trong toàn Thành phố.
Theo đề án, trên địa bàn Quận 8 cần di dời 14.950 hộ dân, trong đó, có 9.440 căn nhà xây dựng trên đất ven kênh rạch, 3.473 căn nhà một phần nằm trên rạch, 1.589 căn hoàn toàn nằm trên mặt nước và 448 căn hộ thuộc chung cư cũ Phạm Thế Hiển.
Các khu vực trọng điểm nằm trong phạm vi đề án bao gồm: bờ Nam kênh Đôi; bờ Đông và bờ Tây rạch Xóm Củi; rạch Du; rạch Ông Nhỏ đoạn từ rạch Ông Lớn đến cầu kênh Xáng; khu vực chung cư Phạm Thế Hiển.
Ngoài ra, một số khu vực khác cũng sẽ được di dời trong hành lang bảo vệ kênh rạch dù không thuộc diện chỉnh trang mở rộng. Quận 8 sẽ chuẩn bị 11.471 căn hộ phục vụ tái định cư, bao gồm 9.581 căn được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và 1.890 căn do các nhà đầu tư ngoài ngân sách thực hiện.
Đồng thời, Thành phố dự kiến triển khai 2 dự án nhà ở xã hội và 7 dự án nhà ở tái định cư, tổng vốn đầu tư gần 14.700 tỉ đồng. Đề án cũng dự kiến sẽ đầu tư gần 2.000 tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường hiện hữu, đặc biệt là các tuyến cầu trên trục đường Phạm Thế Hiển và đường Bông Sao.
Bên cạnh đó, hơn 8.165 tỉ đồng sẽ được sử dụng để xây dựng hệ thống giao thông ven kênh, rạch và xây dựng bờ kè sau khi hoàn thành di dời; 6 dự án công viên, mảng xanh với tổng mức đầu tư khoảng 187 tỉ đồng cũng sẽ được triển khai, góp phần tạo cảnh quan và không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân sau tái định cư.
Ngoài ngân sách nhà nước, Quận 8 cũng đang nỗ lực thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào các dự án nhà ở và giao thông. Đồng thời, sẽ đấu giá 4 khu đất công với kỳ vọng thu về khoảng 6.000 tỉ đồng. Đặc biệt, nguồn thu từ đấu giá các khu đất sau di dời được ước tính lên đến 77.500 tỉ đồng, bổ sung quan trọng cho ngân sách thực hiện đề án.
Hiện tại, các phường trên địa bàn Quận 8 đang khẩn trương hoàn thiện đề án chi tiết theo từng khu vực, trên cơ sở đề án chỉnh trang đô thị chung đã được Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP. Hồ Chí Minh thông qua.
Được biết, tổng kinh phí thực hiện đề án ước tính hơn 105.179 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 70.100 tỉ đồng sẽ dành cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tương ứng với diện tích đất 124,49 ha.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được khẳng định, đây là một đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần chỉnh trang môi trường đô thị mà còn sắp xếp lại nơi ở cho người dân sống trên và ven kênh rạch theo hướng đàng hoàng, an toàn và ổn định hơn.
NGHIÊM CẤM LẤN CHIẾM BỜ SÔNG, KÊNH, RẠCH
Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định quy định về quản lý, sử dụng hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch, mương, hồ và ao thuộc địa bàn Thành phố. Quyết định có hiệu lực từ ngày 28/4/2025.
Về phạm vi điều chỉnh, các quy định về hành lang bảo vệ trên bờ áp dụng với các trường hợp: Hành lang của các tuyến đường thủy nội địa địa phương đã được UBND TP. Hồ Chí Minh công bố danh mục luồng đường thủy nội địa địa phương trên địa bàn Thành phố; Hành lang của các tuyến đường thủy nội địa quốc gia và hàng hải; Hành lang của các tuyến sông, kênh, rạch, hồ thuộc quy hoạch tổng thể tiêu thoát nước trên địa bàn;
Hành lang của các hồ, ao được xác định trong danh mục hồ, ao không được san lấp; Hành lang của các tuyến sông, kênh, rạch đã tiến hành xây dựng, cải tạo hoàn chỉnh (xây dựng đường, hạ tầng kỹ thuật, bờ kè) theo quy hoạch; Hành lang của các tuyến sông, kênh, rạch, mương có chức năng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Quyết định nêu rõ: nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm, sử dụng đất bất hợp pháp, sử dụng đất không đúng mục đích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc những hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở, làm ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của các công trình xây dựng bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, mương, hồ và ao. Tôn trọng và bảo vệ hiện trạng tự nhiên của bờ sông, kênh, rạch, mương, hồ và ao.
Tùy điều kiện cụ thể từng khu vực quy hoạch, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét cho các tổ chức, cá nhân thuê đất trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ có thời hạn để sử dụng theo đúng nguyên tắc, đảm bảo yếu tố bảo vệ bờ sông kết hợp với không gian cảnh quan.
Quyết định cũng quy định các công trình được xây dựng trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ gồm: Nhóm công trình xây dựng và nhóm công trình phục vụ hoạt động dịch vụ có thời hạn. Trong đó, nhóm công trình xây dựng gồm: Đường giao thông, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống chiếu sáng công cộng.
Công trình chống sạt lở bờ sông, công trình thủy lợi, công trình cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa; công trình nhà quản lý đường thủy nội địa, quản lý cảng bến, quản lý công trình thủy lợi. Công trình công viên, cây xanh, khu thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng cho người dân được tự do tiếp cận.
Ngoài ra, còn có công trình báo hiệu: hàng hải, đường thủy nội địa, công trình điện, nước, thông tin liên lạc. Công trình nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, khu vực giữ xe của các bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách công cộng, du lịch đường thủy với mục đích kinh doanh, có quy mô một tầng, kết cấu vật liệu nhẹ.
Công trình nhà kho, bãi hàng của các cảng thủy nội địa, cảng biến theo quy hoạch. Công trình an ninh quốc phòng, phòng cháy chữa cháy. Một số công trình cụ thể khác được UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét, chấp thuận trên cơ sở các quy định của pháp luật…
Hiện, TP. Hồ Chí Minh còn khoảng 398 dự án liên quan đến sông, kênh, rạch chưa được triển khai tại 16 quận, huyện và TP. Thủ Đức với tổng số nhà cần di dời lên đến gần 40.000 căn. Nhằm giải quyết dứt điểm thực trạng này, Thành phố đã xây dựng đề án di dời toàn bộ nhà ở trên và ven sông, kênh, rạch, đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành trước năm 2030.
Dự tính TP.HCM cần khoảng 221.370 tỉ đồng kinh phí phân bổ ban đầu. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 130.680 tỉ đồng; chi phí xây dựng nhà ở xã hội là 10.692 tỉ đồng và chi phí xây dựng hạ tầng, cải tạo kênh rạch là 80.000 tỉ đồng.
Sau khi triển khai, đề án sẽ tạo các khu đất dọc sông, kênh, rạch có thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các dự án thương mại dịch vụ…, ước tính có thể thu lại 164.111 tỉ đồng.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tp-hcm-du-kien-dau-tu-14-700-ti-dong-xay-2-du-an-nha-xa-hoi-va-7-du-an-nha-tai-dinh-cu.htm