Phi – lái xe cơ quan tôi – có con trai đã được tám tháng tuổi. Mấy tháng trước, khi vợ vừa hết thời gian ở cữ, anh đưa cả hai mẹ con về quê, nhờ bà ngoại chăm sóc.
Phi nói, quả là “cháu bà nội, tội bà ngoại”, không gì bằng mẹ chăm con, bà chăm cháu. Nỗi lo duy nhất của Phi là việc mua sắm các sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh ở quê, đặc biệt là sữa. “Lớ ngớ vớ phải đồ giả ngay”, anh nói.
Một lần, con hết sữa, Phi lái xe chạy 3-4 cửa hàng nhưng chỉ thấy bán các loại sữa có nhãn hiệu lạ tai. Từng nhiều lần mua phải xà phòng, nước mắm, dầu ăn, giả nhái, Phi trở nên cảnh giác với các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng ở quê. Anh không dám mua dù người bán hàng nói như hát vào tai rằng đây là những sản phẩm giá rẻ nhưng do “các công ty quốc tế sản xuất trong nước”, được các tổ chức uy tín trên thế giới kiểm định chất lượng. Từ đó, mỗi lần về thăm vợ con, anh thường phải mua luôn cả thùng sữa và hàng tá bỉm để dùng dần.
“Nhưng các bà bầu, trẻ nhỏ, ông già bà lão vẫn phải uống thứ sữa không rõ nguồn gốc đó. Tiền ở quê không dễ kiếm. Hai – ba trăm nghìn là cả một khoản lớn”, Phi nói.
Chúng tôi trò chuyện hôm trước, thì mấy ngày sau, Bộ Công an công bố đã triệt phá đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn gồm 573 nhãn hiệu sữa, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Trong 4 năm qua, đường dây này đã tạo dựng được một hệ sinh thái gồm 9 công ty, phân phối và tiêu thụ trên cả nước.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, các loại sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố – đủ căn cứ xác định là hàng giả.
Sẽ cần có những kiểm nghiệm chuyên sâu để đánh giá tác động, ảnh hưởng của những sản phẩm này tới sức khỏe người sử dụng. Nhưng dưới góc nhìn pháp luật và quản lý nhà nước, điều tôi quan tâm ở đây là cơ chế nào để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ có thai và người bệnh khỏi sữa giả nói riêng và thực phẩm dinh dưỡng giả nói chung.
Quy cách sản xuất thực phẩm cho trẻ em, người già và phụ nữ mang thai ở nhiều nước được quản lý rất nghiêm ngặt, xuất phát từ đặc điểm tự nhiên, khi mà sức khỏe lẫn hệ miễn dịch của những đối tượng trên không thể so sánh với người bình thường. Nhiều nước áp dụng tình tiết tăng nặng đối với các tội danh liên quan đến việc xâm hại sức khỏe và sự phát triển của nhóm này.
Tuy nhiên, Điều 193 Bộ luật Hình sự Việt Nam vẫn chưa bổ sung yếu tố “sản xuất, buôn bán thực phẩm mục đích dành riêng cho nhóm yếu thế như trẻ em, phụ nữ có thai, người bệnh, người già” vào danh mục tình tiết tăng nặng khi xử lý tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.
Theo tôi, cơ quan xây dựng, thẩm định luật cần xem xét vấn đề này một cách thấu đáo để tạo ra cơ chế bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương – đặc biệt là với trẻ em – ngay từ trong luật, như đã quy định đối với Tội cố ý gây thương tích.
Một câu hỏi khác gây bức xúc trong công bố chấn động trên của Bộ Công an, là tại sao một đường dây sữa giả tràn lan trên thị trường suốt 4 năm lại không bị phát hiện. Nguyên nhân quan trọng là kẽ hở về mặt quản lý nhà nước.
Công ty Rance Pharma và Hacofood Group sản xuất các sản phẩm sữa dành riêng cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai. Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, thì các sản phẩm sữa bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý chính nhưng lại không có đủ nhân lực, hành lang pháp lý để kiểm tra sản phẩm lưu thông trên thị trường. Trong khi đó, Bộ Công thương quản lý các sản phẩm sữa thông thường mà không chịu trách nhiệm chính với các sản phẩm sữa dinh dưỡng bổ sung vi chất, thậm chí là cả thực phẩm chức năng.
Sự chồng chéo này tạo ra lỗ hổng, nhưng khoảng mù mờ trong giám sát, khiến người tiêu dùng mua phải hàng không kiểm định và tự chịu trách nhiệm với sức khỏe của chính mình.
Theo tôi, để bịt lỗ hổng này, Bộ Y tế và Bộ Công thương cần thiết phải xây dựng cơ chế giám sát chung, hoặc chuyển toàn bộ thẩm quyền quản lý các thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng cho Bộ Công thương thống nhất quản lý, còn Bộ Y tế chỉ chịu trách nhiệm chuyên môn.
Ngoài ra, như tôi đã trình bày ở các bài viết liên quan đến thực phẩm bẩn trước đây: chưa nói đến các loại thực phẩm khác, riêng sản phẩm sữa thì trên thị trường đã có hàng nghìn nhãn hiệu. Vì vậy, cơ quan chủ quản không thể có đủ nguồn lực để kiểm nghiệm, phát hiện kịp thời thực phẩm giả hay kém chất lượng. Do đó, để tăng cường hiệu quả giám sát thực phẩm lưu thông trên thị trường, Luật An toàn thực phẩm sửa đổi cần khuyến khích, cho phép người dân được chủ động kiểm nghiệm thực phẩm.
Ngoài lỗ hổng trong việc giám sát quy trình sản xuất, sự đa dạng về kênh phân phối cũng là thách thức lớn về mặt quản lý nhà nước. Hiện nay các đối tượng sản xuất, buôn bán thực phẩm giả đẩy mạnh hoạt động trên nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử để thu lợi bất chính và né tránh các cơ quan chuyên môn. Chúng lợi dụng tốt sự cả tin của người tiêu dùng và ảnh hưởng của người nổi tiếng, tạo ra các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, phóng đại công dụng sản phẩm.
Không gian mạng quá rộng lớn để có thể quản lý toàn diện. Do đó, cần xem xét bổ sung tình tiết sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử bên cạnh tình tiết có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp làm yếu tố định khung tăng nặng đối với Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm quy định tại Điều 193 và Tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự.
Những đứa trẻ, uống phải sữa giả từ khi mới lọt lòng, sẽ lấy gì để lớn lên?
Bùi Võ
Nguồn tin: https://vnexpress.net/mu-mo-sua-gia-4874497.html