Ăn chay tuy không mới, nhưng hiện nay số lượng người ăn chay có xu hướng tăng lên. Thậm chí trên các trang mạng xã hội, các hội nhóm của người ăn chay xuất hiện rất nhiều. Họ cùng nhau chia sẻ về các công thức nấu đồ chay cũng như cách sử dụng thực phẩm sao cho bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng nhất.
Ăn chay được nhiều người quan tâm vì nguyên liệu thân thiện với môi trường. Hơn nữa nó còn được cho rằng có thể giúp thanh lọc cơ thể, tinh thần thư thái hơn.
Hầu hết các loại rau, củ, quả, hạt, các thức ăn từ thực vật thường chứa nhiều chất xơ, ít cholesterol, giàu vitamin, đặc biệt là nhóm vitamin A, B, C, E và nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể.
Theo ThS.BS. Đặng Ngọc Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng: “Ăn đúng cách các loại thức ăn thực vật có lợi cho cơ thể. Việc này giúp giảm cân cũng như phòng ngừa và hỗ trợ rất nhiều trong các bệnh lý mạn tính liên quan đến chế độ ăn uống như béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, tiêu hóa, loãng xương, góp phần giảm nguy cơ ung thư,…”
Ngoài ra, chế độ ăn chay cũng giúp tăng cường các thực phẩm từ thực vật chứa ít chất béo, nhiều kali, chất xơ, canxi, magie, vitamin C và vitamin A… Tất cả đều là những chất có ảnh hưởng tốt đến việc duy trì huyết áp ổn định.
Do thức ăn chay chứa nhiều xơ, ít béo, ít cholesterol, tỷ lệ giữa chất béo không no và chất béo no cao, nên người ăn chay có lượng cholesterol trong máu thấp. Từ đó sẽ hạn chế các nguy cơ mắc bệnh mạch vành và những bệnh liên quan khác như mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ, đột quỵ,…
Chế độ ăn chay bổ sung thực phẩm từ thực vật có lượng chất xơ hòa tan cao và giúp giữ lượng đường trong máu ổn định, giúp kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ mắc đái tháo đường.
Ăn chay đem lại nhiều lợi ích thì ai cũng biết. Nhưng nhiều người đã bỏ qua những tác dụng phụ của nó, bao gồm cả việc thiếu một số chất khoáng cần thiết như sắt, canxi, kẽm, vitamin B12… do chỉ ăn những thực phẩm chủ yếu dựa vào ngũ cốc, rau quả, củ và các loại hạt. Ngoài ra, mức cholesterol rất thấp ở người ăn chay có liên quan đến nguy cơ đột quỵ xuất huyết cao hơn. Đặc biệt, việc thiếu sự có mặt của thức ăn động vật trong một thời gian dài sẽ khiến có thể thiếu đi nguồn đạm có giá trị sinh học cao, vốn rất quan trọng đối với trẻ em, người cao tuổi và người bệnh…
Do đó việc ăn chay tuy có thể đem lại rất nhiều lợi ích tuy nhiên nó không phù hợp cho tất cả mọi người. Dưới đây là những nhóm người không nên ăn chay do ThS.BS. Đặng Ngọc Hùng chia sẻ.
Đâu là nhóm người không nên ăn chay?
1. Đối với trẻ em, không nên cho trẻ em ăn chay. Trẻ em đang trong độ tuổi tăng trưởng cần lượng dinh dưỡng đầy đủ cho quá trình phát triển. Nên cho trẻ ăn theo chế độ dinh dưỡng đa dạng nguồn thức ăn (thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, trái cây…) để trẻ được cung cấp đủ dinh dưỡng phát triển tốt về thể chất và trí não.
2. Người mẹ mang thai và cho con bú cần cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển toàn diện của em bé, vì thế không nên ăn chay.
3. Những người bệnh đang trong quá trình điều trị cần ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng và nâng cao thể trạng. Nếu ăn chay họ dễ bị thiếu máu và các vi chất khác.
4. Những người có bệnh lý nền muốn ăn chay nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để phát hiện sớm những rối loạn hoặc bất thường của cơ thể.
Cũng theo chuyên gia, nếu muốn ăn chay mà vẫn khỏe thì mọi người cần cung cấp đủ các nhóm thực phẩm bao gồm protein, canxi, kẽm, sắt… Ngoài ra, nên ăn đa dạng thực phẩm từ 15-20 loại khác nhau, nếu từ 20-30 loại thì rất tốt, chọn nhiều loại rau, củ trong 1 bữa ăn. Nên sử dụng các phương pháp chế biến như hấp, luộc, trộn thay vì chiên, xào, nướng, giảm nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh lý liên quan.
Nếu cần thiết thì người ăn chay rất nên bổ sung một số vi chất đặc biệt là B12, canxi, kẽm, sắt, magie,… với sự tham vấn của chuyên gia dinh dưỡng.