1. Thúc đẩy tuần hoàn máu, ngăn ngừa bệnh tim mạch
Theo nghiên cứu của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản tiến hành, pyrazine – thành phần tạo ra mùi thơm đặc trưng của trà lúa mạch được hình thành trong quá trình rang là một chất chống oxy hóa hiệu quả, đồng thời cũng có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu.
Đồng thời, KAGOME, một công ty nghiên cứu nguyên liệu thô của Nhật Bản, đã tiến hành một thí nghiệm về loại nào hiệu quả hơn trong việc cải thiện lưu thông máu: trà lúa mạch và nước lọc thông thường.
Họ yêu cầu 6 người trưởng thành khỏe mạnh uống trà lúa mạch và đo tốc độ lưu lượng máu trước khi uống và 15, 30, 60, 90, 120 phút sau khi uống. Đồng thời cũng yêu cầu một nhóm người khác thực hiện thí nghiệm tương tự với nước khoáng. Kết quả cho thấy sau khi uống trà lúa mạch, tuần hoàn máu tiếp tục được cải thiện ngay cả sau 90 phút. Trong khi nước lọc bình thường hoàn toàn không có tác dụng đó.
Ngoài ra, trà lúa mạch còn chứa một thành phần tên là GABA, có tác dụng cải thiện chức năng của thận, đào thải natri (muối) ra khỏi cơ thể, đồng thời còn có thể làm giảm chất béo trung tính và cholesterol gây xơ cứng động mạch và tạo huyết khối trong cơ thể.
2. Hỗ trợ giảm cân
Theo tạp chí Macaroni, việc uống trà lúa mạch với liều lượng chia nhỏ 200cc mỗi lần và mỗi ngày khoảng 1500cc có thể hỗ trợ thải chất độc ra khỏi cơ thể và tăng cường trao đổi chất, rất hữu ích cho việc giảm cân.
Cùng với đó, sự kết hợp giữa pyrazine và GABA trong trà lúa mạch còn có thể cải thiện tốc độ trao đổi chất của cơ thể. Khi quá trình trao đổi chất được cải thiện, quá trình đốt cháy chất béo cũng sẽ hiệu quả hơn và là cách giúp vóc dáng trở nên thon gọn.
3. Chống oxy hóa, ngăn ngừa đột quỵ
Axit p-coumaric trong trà lúa mạch có thể giảm quá trình oxy hóa – nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các bệnh khác. Ngoài ra, oxy hoạt tính cũng là nguyên nhân gây lão hóa cơ thể. Vậy nên, việc thường xuyên sử dụng trà lúa mạch không chỉ ngăn ngừa các bệnh tật mà còn có tác dụng làm đẹp, giúp giảm thiểu tình trạng thô ráp của da và ngăn ngừa tóc hư tổn.
4. Bảo vệ niêm mạc ruột và ngăn ngừa biến chứng tiểu đường
Theo nghiên cứu chung của Đại học Shizuoka và Đại học Dược Kyoto, chiết xuất trà lúa mạch có chức năng bảo vệ niêm mạc ruột, ngăn ngừa biến chứng tiểu đường và ức chế viêm nhiễm.
5. Ngăn ngừa say nắng
Trong đông y, lúa mạch có tác dụng thanh nhiệt cơ thể nên những người có thể trạng khô nóng được khuyên nên uống trà lúa mạch thường xuyên. Đồng thời, nó còn giúp cải thiện hệ thống tuần hoàn bạch huyết của cơ thể, thải chất độc tích tụ và giảm tình trạng phù nề.
Ngoài ra, bản thân trà lúa mạch không chứa caffeine như trà đen hay trà ô long nên dù uống với lượng lớn vào ban đêm cũng không sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ.
6. Đẹp da và ngừa sâu răng
Cuối cùng, trà lúa mạch rất giàu khoáng chất hỗ trợ làm đẹp da như kẽm và silicon. Kẽm có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa melanin nên có công dụng hỗ trợ sáng da rõ rệt. Cùng với đó, silicon có thể tăng cường hiệu quả của collagen nên có thể ngăn ngừa tình trạng da mặt chảy xệ.
Không chỉ vậy, trà lúa mạch còn có khả năng ức chế sự sinh sản của vi khuẩn và ngăn ngừa sự hình thành streptococcus đột biến – nguyên nhân lớn nhất gây sâu răng.
Nguồn: edh.tw