Bằng một cách rất riêng, không phải người nào cũng có thể làm được, ông Đỗ Văn Tá, Giám đốc Nông trường (farm) WinEco Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng uốn lại ngọn cây dưa leo bao tử bị gập xuống hình chữ U ngược. Ông kể về cuộc hành trình phủ xanh những cánh đồng rau cao sản nơi thung lũng ít dấu chân người. Thay vì canh tác truyền thống bằng đất, phân hữu cơ, phun nước và thuốc bảo vệ thực vật mù mịt, thì nơi đây, canh tác hoàn toàn khác hẳn.
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống nông nghiệp sạch của WinEco có 14 nông trường khắp cả nước. Trong đó, vùng cao nguyên có 5 nông trường (1.211 ha), miền Nam có 4 nông trường (955 ha) và miền Bắc có 5 nông trường (701 ha). Tổng số các loại rau ăn lá và củ quả lên tới 150 loại, bình quân cung cấp 100 tấn mỗi ngày đến 3.200 điểm của hệ thống siêu thị Winmart và Winmart +.
Khâu đầu tiên là quy hoạch. Dự án lựa chọn khu vực bằng phẳng tự nhiên, hạn chế can thiệp máy xúc, máy ủi vào đồi núi. Sau đó dựng khung và phủ kín nhà bằng màng hoặc lưới phía trên, xung quanh che lưới chắn côn trùng. Riêng nhà màng được thiết kế rất đặc biệt, đó là cấu trúc máng hướng lên trời đón gió. Bởi vậy trong nhà thì kín nhưng lại thông thoáng nhờ thường xuyên đối lưu không khí.
Với cách này, dự án vừa loại bỏ được sự tốn kém về chi phí đầu tư các cánh quạt khổng lồ, vừa tránh được tiếng ồn. Hãy thử hình dung, bình quân mỗi sào ruộng phải đầu tư hàng chục cánh quạt đường kính cả mét, rồi dây dẫn điện, nguồn năng lượng sẽ tốn kém đến mức nào nếu canh tác với quy mô hàng nghìn héc ta.
Chưa kể, thay vì cây được trồng trực tiếp xuống đất như xưa nay thì ở đây, đã có những túi chứa giá thể xơ dừa, mụn dừa và dăm dừa được gọi là “growbag” . Toàn bộ số giá thể này đều được xử lý sạch chất chát Tanin và Lignin. Mặc dù xơ dừa rất được ưa chuộng đối với cây trồng, nhưng chất chát trong đó lại làm cho cây còi cọc. Việc xử lý được trải qua công đoạn sơ chế của các nhà cung cấp, nhưng khi về tới các trang trại lại được xử lý thêm một lần nữa theo quy trình.
ĐOẠN TUYỆT PHƯƠNG THỨC CANH TÁC XƯA CŨ
Sự thần kỳ ở chỗ, chiếc túi “growbag” nói trên chỉ dài vỏn vẹn 1 m, cao 14cm và rộng 13 cm được ních chặt xơ dừa; phía trên khoét 5 lỗ để đặt vào đó 5 cây cà chua hoặc dưa leo bao tử. Cứ như vậy, cứ túi nọ nối túi kia thành một dãy dài, có khi tới 200m, 500m thẳng tắp. Đi theo phía trên “growbag” là những ống dây dẫn nước và dinh dưỡng được đục lỗ ngay sát gốc thân cây. Những ống dây đó được nối liền và chịu sự điều tiết của bể lớn ở trung tâm điều hành.
“Cây ở đây không cần bón phân như cách truyền thống mà sinh trưởng bằng nước dinh dưỡng sau khi đã cân bằng các chất như sắt, măng gan, đạm, lân, ma nhê… theo bộ danh mục Nhà nước cho phép”, ông đội trưởng kỹ thuật của trang trại nói với VnEconomy và cho biết thêm, đối với cây trồng như cà chua hay dưa chuột bao tử, lựa chọn giống không cần thụ phấn như thông thường.
Ví dụ như với cà chua, mỗi chùm hoa, hoa cái và hoa đực đều sát với nhau, chỉ cần một làn gió rung rinh là phấn đực bay vào nhuỵ cái, quá trình thụ phấn diễn ra rất tự nhiên. Với dưa bao tử cũng vậy.
“Đây là những loại giống nhập khẩu từ các nhà cung cấp danh tiếng từ nước ngoài như Rijk Zwaan, không biến đổi gen và cho năng suất rất cao”, ông Đỗ Văn Tá cho biết. Theo đó, vòng đời cây cà chua sau khi ươm 25 – 30 ngày sẽ ra 4 – 5 lá thật như trồng, đến ngày thứ 80 cây bắt đầu cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài thêm 70 – 80 ngày, mỗi tuần thu hoạch 2 – 3 lần, mỗi cây cho 22 – 28 quả, năng suất bình quân 3,5 – 5kg quả/cây.
Còn một sự khác biệt nữa, cũng là giống này nhưng nếu canh tác theo truyền thống thì giai đoạn thu hoạch chỉ 50 – 60 ngày và sản lượng chỉ 2-3 kg mỗi cây. Theo cách như vậy, mỗi ha cho năng suất 99 tấn cà chua, mẫu mã đồng đều.
Chuyển sang nông trại trồng xà lách tím cách khu vực trồng cà chua gần 1 km, không khí vùng đất Lạc Dương thật dễ chịu, hơi khô hanh, lúc nào cũng có gió nhẹ, nhiệt độ thời điểm nóng nhất cũng chỉ dưới 25 độ. Đây là điều kiện lý tưởng để canh tác các giống rau, củ quả vùng ôn đới.
Hơi khác một chút với các túi “growbag” cà chua và dưa bao tử, cánh đồng xà lách tím, xà lách xanh lại được trồng vào các máng rộng vừa một sải tay và dài hàng trăm mét. Trên mỗi máng là 3 dãy xà lách thẳng tắp, giá thể và cách thức châm chất dinh dưỡng nhìn chung đều giống với cách trồng dưa và cà chua. Năng suất các trang trại xà lách ở đây bình quân gấp 3 – 4 lần so với canh tác truyền thống.
BA “CÓ”, BỐN “KHÔNG” VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Một điều đặc biệt là xử lý giá thể sau mỗi vụ thu hoạch. Những người trồng dòng cây củ quả như dưa chuột, dưa lưới, cà chua, bầu bí… đều biết rằng, giá thể sau mỗi vụ thu hoạch thường để lại rất nhiều mầm bệnh. Nếu giá thể vụ trước đã trồng dưa, cà chua… thì vụ sau không thể trồng các loại cây này vì cây mọc còi cọc, nhiều mầm bệnh ẩn trong đó, cho nên phải xử lý để trồng các loại cây khác. Nói cách khác là phải thay đổi giá thể, nếu vụ trước trồng dưa, cà chua thì vụ sau chuyển sang trồng cây rau ăn lá và ngược lại.
Tuy nhiên, dù đã thay đổi giá thể thì vẫn phải xử lý theo một quy trình nghiêm ngặt. Đó là đảo đều giá thể với nấm tricodema (loại chủng nấm vi sinh tiêu diệt nấm có hại và nhân rộng nấm có ích cho cây trồng) thay vì phun xịt hoá chất vô cơ để xử lý. Điều này cho thấy các dự án của WinEco đều tuân thủ tiêu chuẩn an toàn từ khâu đầu tiên là giá thể. Theo ông Đỗ Văn Tá, quy trình canh tác của các cánh đồng WinEc đều tuân thủ “ba có và bốn không”.
“Ba có” bao gồm: tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về VietGAP, GlobalGAP, Organic theo ba quá trình (ba có): đầu vào sản xuất/quá trình sản xuất/đầu ra sản phẩm.
Còn “bốn không” là: không sử dụng giống biến đổi gen (GMO)/không sửa dụng chất kích thích tăng trưởng/không sửa dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục/không sử dụng chất bảo quản sản phẩm.
Rời trang trại của WinEco, chúng tôi sang một trang trại khác. Tại đây, ông chủ trang trại cho biết trong những năm gần đây, khu vực Lâm Đồng, đặc biệt là vùng nội và ngoại ô thành phố Đà Lạt, xu hướng canh tác rau, hoa, củ quả bằng nhà màng, nhà kính bùng nổ.
Đây là một phần nguyên nhân gây úng nước, tạo nên các vụ sạt lở kinh hoàng vào mùa mưa vừa qua. Bởi vậy, gần đây, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương trong vòng bán kính 10 km tính từ trung tâm thành phố sẽ dừng hẳn việc canh tác bằng nhà kính, nhà màng, chỉ cho phép canh tác nhà lưới. Từ bán kính km số 11 đến 20, vận động người dân, doanh nghiệp canh tác bằng nhà lưới hoặc tự nhiên. Để bù đắp chi phí dỡ bỏ các nhà màng, nhà kính, tỉnh sẽ có ngân sách hỗ trợ.
Theo đại diện WinEco Lạc Dương, tỷ lệ nhà màng, nhà kính của Tập đoàn Masan ở Đà Lạt chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 3% tổng diện tích các trang trại và nằm cách trung tâm thành phố tới 30 km.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 36-2023 phát hành ngày 04-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam