Có cuộc đối thoại của đôi bạn già lâu năm như sau:
“Ông Ngô, trời nắng như này mà ông còn chạy bộ sao? Mồ hôi ra ướt hết cả áo rồi kìa! Tốt hơn ông nên học tôi, ngồi đây chơi cờ đi.”
“Người ta ai cũng khuyên mỗi ngày nên đều đặn tập thể dục, ông ngồi cả ngày trời như vậy thì cơ thể làm sao mà khỏe được? Ai mà thèm học ông.” Ông Ngô đáp.
Ông Ngô và ông Lưu là đôi bạn già lâu năm, cả hai đều có góc nhìn khác nhau về việc luyện tập thể thao. Một người thì chủ trương kiên trì thường xuyên luyện tập, người còn lại thì thi thoảng có dịp mới đứng lên vận động. Vậy rốt cục ý kiến nào mới là chính xác nhất?
1. Tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi dài hạn, ai sẽ sống lâu hơn?
“Người lớn tuổi nên thường xuyên vận động để tăng cường sức khỏe.”
“Người lớn tuổi có thể chất không tốt, vì thế càng nên tịnh dưỡng nhiều hơn.”
Hai luồng ý kiến trên thoạt nhìn đều có lý lẽ riêng, vậy cuối cùng chúng ta nên tin theo cái nào?
Trên thực tế, hai tuyên bố trên không hề mâu thuẫn lẫn nhau. Vận động và tịnh dưỡng không thể hoàn toàn tách rời nhau. Trong cuộc sống, chúng ta nên biết chọn ra cho mình một phương pháp dưỡng sinh phù hợp. Nhiều chuyên gia về tuổi thọ khuyến khích chúng ta nên kết hợp giữa vận động và tịnh dưỡng cùng một lúc. Càng lớn tuổi thì có thể giảm cường độ vận động lại, chọn loại thể thao phù hợp với tình trạng thể chất, nhưng nhìn chung, chúng ta vẫn cần phải tập thể dục.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Sydney (Úc) đã phân tích dữ liệu của 22.398 người, ở độ tuổi trung bình là 62, từ cơ sở dữ liệu của Anh. Họ được kiểm tra mức độ tập thể dục và được theo dõi sức khỏe trong 7 năm. Kết quả đã phát hiện, điều không thể tin được là hoạt động thể chất mạnh mẽ ngắt quãng (HIIT) chỉ 4,5 phút mỗi ngày có khả năng giảm đến 31 – 32% nguy cơ mắc ung thư, so với người không thực hiện loại hoạt động này, theo Healthline.
Nghiên cứu cho thấy tập thể dục tốt cho sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, bạn không thể mù quáng tập thể dục cường độ mạnh hàng ngày. Trong khi tập thể dục, bạn cũng nên chú ý đến việc nghỉ ngơi và tốc độ hồi phục của cơ thể. Và việc nghỉ ngơi không chỉ đề cập đến nghỉ ngơi về thể chất mà quan trọng hơn thế nữa đó là sự tịnh dưỡng về tinh thần, tâm thái. Bạn nên để bản thân được thư giãn, quên đi những áp lực muộn phiền, việc này có ảnh hưởng rất tốt đến cả sức khỏe thân và tâm của bạn.
2. Các chuyên gia Trung y khuyên: “Tập thể dục nhiều trước 40 tuổi, tập thể dục ít sau 50 tuổi và hầu như ngưng tập thể dục sau tuổi 60”
Giáo sư Từ Tái Xuân, một chuyên gia Trung y người Trung Quốc từng phát biểu rằng, mọi người nên kiên trì tập thể dục trước 40 tuổi, 50 tuổi thì nên chọn một cường độ vận động phù hợp với thể chất, nhưng sau 50 tuổi thì nên nghỉ ngơi nhiều hơn một chút, còn sau 60 tuổi thì không nên tập thể dục mạnh, thay vào đó chúng ta chỉ nên an dưỡng, đó mới là đạo dưỡng sinh. Để củng cố quan điểm của mình, giáo sư Từ cũng đề cập đến 2 trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Một bà lão không có thói quen tập thể dục khi còn trẻ. Đến khi già rồi bà mới biết tầm quan trọng của việc tập thể dục, vì thế bà kiên trì đi tản bộ 5km sau mỗi bữa ăn tối, bất chấp mưa gió. Thế nhưng kết quả của việc tập luyện chăm chỉ không phải là một cơ thể khỏe mạnh, mà là một cơ thể bị tàn phá, bởi vì cách tập thể dục của bà ấy đã trái ngược với lẽ tự nhiên.
Trường hợp 2: Một bệnh nhân khác bị ban đỏ (lupus), vì muốn kiên trì tập luyện thể dục nên dù có đang bị đau lưng thì ông ấy cũng không dừng việc đi bộ 2 tiếng mỗi ngày của mình. Kết quả, khi trở lại bệnh viện để tái khám, người ta phát hiện ra protein trong nước tiểu của ông tăng lên, bệnh tình đã trở nên nghiêm trọng hơn.
Giáo sư Từ cho rằng tập thể dục một cách cố chấp có hại hơn là có lợi. Mọi người nên tìm hiểu kỹ về vấn đề này. Đừng nghĩ rằng tập thể dục là thuốc chữa bách bệnh, vì tập thể dục không đúng cách sẽ làm tổn thương cơ thể của bạn.
3. Hai nguyên tắc tập thể dục an toàn
Đối với người trung niên và người cao tuổi, có 2 lưu ý cần ghi nhớ khi bắt đầu hành trình rèn luyện của mình.
Tìm ra mức nhịp tim an toàn của bạn khi vận động:
Nhìn chung, vùng nhịp tim trung bình khi tập thể thao là từ 60-70% nhịp tim tối đa của bạn. Đây là mức cao hơn của khu vực tập thể dục cường độ trung bình. Bạn sẽ thở nặng hơn nhưng vẫn có thể nói được những câu ngắn. Có một công thức giúp bạn xác định nhịp tim an toàn khi tập thể dục là lấy 220 trừ đi số tuổi của bạn. Chẳng hạn, bạn 70 tuổi thì nhịp tim tối đa khi bạn chạy sẽ là 220-70= 150bpm.
Chuẩn bị kỹ càng để tránh chấn thương thể thao:
Bất kể bạn tập môn thể thao gì, bạn cũng nên làm nóng cơ thể trước khi bước vào bài tập chính thức. Bạn có thể đá chân, khởi động các khớp, căng cơ,… Khuyến nghị chọn những nơi trống trải và thoáng mát như công viên hoặc sân vườn để tập. Hãy đảm bảo không khí và độ an toàn của địa điểm tập.
Cường độ tập luyện nên dựa trên phản ứng của cơ thể để lựa chọn. Nếu bạn quá mệt mỏi sau khi thức dậy vào ngày hôm sau, bạn nên giảm cường độ tập thể dục lại.
Tóm lại, không có một câu trả lời tuyệt đối cho việc nên chọn nghỉ ngơi hay vận động. Lời khuyên ở đây chính là mọi người nên kết hợp cả hai, hãy vận động những bài tập phù hợp và nghỉ ngơi hợp lý dựa trên tình trạng thể chất. Đó mới là cách dưỡng sinh hữu hiệu.