Với chủ đề “Theo dõi thực hiện các kiến nghị kiểm toán”, Hội nghị tập trung thảo luận về: Cơ sở pháp lý và thông lệ quốc tế liên quan đến công tác theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; Thực tiễn và những bài học kinh nghiệm của mỗi nước trong công tác theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; Các thách thức đối với các Tổ chức kiểm toán tối cao và giải pháp để nâng cao chất lượng công tác theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán.
ĐẢM BẢO TÍNH BỀN VỮNG CỦA CÔNG TÁC KIỂM TOÁN
Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề “Thực hiện kiểm toán trong điều kiện bình thường mới” diễn ra ngày 29/8 (thuộc khuôn khổ Hội nghị người đứng đầu ba cơ quan Kiểm toán Nhà nước lần thứ 10), ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, nhận định Kiểm toán Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, cũng như góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của một quốc gia. Trong hoạt động kiểm toán thì theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán là một giai đoạn rất cần thiết, vì kết quả của giai đoạn này là một trong những thước đo tính hiệu lực, hiệu quả và trên hết thể hiện tác động thực tế của một cuộc kiểm toán.
Bà Som Kim Suor, Tổng Kiểm toán nhà nước Campuchia, cho rằng việc chọn chủ đề “Theo dõi thực hiện các kiến nghị kiểm toán” là phù hợp, giúp thể hiện vai trò quan trọng của cơ quan kiểm toán tối cao trong việc đảm bảo tính bền vững và hiệu quả làm việc, đặc biệt là khả năng công tác hỗ trợ Chính phủ.
“Hội nghị ba bên lần thứ 10 là minh chứng cho lập trường và thiện chí của lãnh đạo, đồng nghiệp của ba cơ quan kiểm toán hàng đầu của ba nước trong việc tiếp tục hợp tác, trao đổi kinh nghiệm làm việc giữa các cơ quan kiểm toán ba nước”, bà Som Kim Suor đánh giá.
Còn theo Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Lào Viengthavisone Thephachanh, Hội nghị lần này là cơ hội tốt để đoàn đại biểu của ba cơ quan kiểm toán tối cao gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, đồng thời, tăng cường tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau thống nhất những phương án thực hiện hợp tác trong thời gian tới đúng theo tinh thần truyền thống hợp tác của ba bên, kể từ năm 2009 đến nay. Qua đó, giúp mỗi đơn vị nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động công tác kiểm toán.
Hội nghị lần này đã đưa ra một chủ đề rất quan trọng, rất đúng và trúng với tình hình hiện tại của ba nước, đó là việc theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán. Những nội dung chủ đề tại Hội nghị đều là những nội dung rất quan trọng và rất phù hợp với tình hình thực tế nhất là sau sự bùng phát của đại dịch Covid-19, những biến đổi khó lường của tình hình khu vực và thế giới tác động hết sức nặng nề, phần nào ảnh hưởng tới hoạt động công tác kiểm toán. Trong đó, việc cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, làm thế nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán rất quan trọng, thể hiện hiệu quả và chất lượng hoạt động kiểm toán của chúng ta, góp phần xây dựng đất nước cũng như giúp Chính phủ quản lý việc sử dụng tài chính, tài sản công.
TỪNG BƯỚC BẮT KỊP CHUẨN MỰC CỦA CÁC CƠ QUAN KIỂM TOÁN TỐI CAO TRÊN THẾ GIỚI
Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và phát biểu tổng kết Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn cho biết các bên đều thống nhất với nhau về tầm quan trọng của việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán. Đó chính là thước đo tính hiệu lực, hiệu quả công tác, hoạt động của cơ quan kiểm toán tối cao 3 quốc gia.
Với Việt Nam, trong khuôn khổ pháp lý trong việc theo dõi, đôn đốc, thực hiện các kiến nghị kiểm toán, cái cốt yếu nhất là để các kiến nghị được thực hiện tốt, đạt tỷ lệ cao phải xuất phát từ chất lượng của các kết luận, kiến nghị. Việc đưa ra kết luận xác đáng, phù hợp sẽ quyết định việc đảm bảo thực hiện kiến nghị, kết luận kiểm toán.
Ngoài ra, trong thời đại công nghiệp 4.0, phải ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán nói chung và thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nói riêng.
“Một trong những kinh nghiệm nữa của chúng tôi là phải công khai minh bạch những kết luận, kiến nghị kiểm toán. Có như vậy thì không chỉ đơn vị được kiểm toán, các cơ quan cấp trên có liên quan mà toàn thể nhân dân có thể vào đó để theo dõi, giám sát kết quả kiểm toán có xác thực, phù hợp, xác đáng không, giám sát đơn vị được kiểm toán có thực hiện kiến nghị kiểm toán đầy đủ, kịp thời không và giám sát chỉ đạo, lãnh đạo của cơ quan cấp trên, của Chính phủ, Quốc hội đối với các đơn vị có trách nhiệm không”, ông Tuấn nói.
“So với chiều dài, lịch sử phát triển của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới thì 3 SAI của chúng ta vẫn còn rất non trẻ, cả tuổi đời, cả tuổi nghề, trong khi đó, kỳ vọng của nhân dân, Chính phủ, Quốc hội đối với việc nâng cao công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của quốc gia đặt ra gánh nặng, kỳ vọng rất lớn đối với các cơ quan kiểm toán tối cao. Trong bối cảnh như vậy, ngoài việc cố gắng nâng cao trình độ, kiện toàn khuôn khổ pháp lý thì việc hợp tác, chia sẻ những bài học hay, những kinh nghiệm quý sẽ giúp 3 cơ quan kiểm toán sớm khẳng định vai trò, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, từng bước bắt kịp với trình độ và chuẩn mực của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới”, Tổng KTNN Việt Nam nhận định.