Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội cả nước tháng 8 và 8 tháng của năm 2023 do Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2023 ước giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước ước tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 88,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 1.124,5 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán năm và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nội địa tháng 8 ước đạt 71,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt gần 931 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán năm và giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thu từ dầu thô tháng 8 ước đạt 4,4 nghìn tỷ đồng; lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 39,7 nghìn tỷ đồng, bằng 94,6% dự toán năm và giảm 25,1% so với cùng kỳ năm trước.
Còn thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 8 ước đạt 11,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 153,6 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% dự toán năm và giảm sâu 23,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ghi nhận, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với lạm phát và việc suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia khiến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm, đặc biệt tại những thị trường chủ lực, sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Điều này ngày càng gây thách thức đến việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu do ngành hải quan quản lý.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ. Dù vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước nhưng khi so sánh với các trước như: tháng 5 (tăng 4,3%); tháng 6 (tăng 4,5%); tháng 7 (tăng 0,8%), có thể thấy mức tăng của tháng 8 được coi là có nhiều dấu hiệu tích cực.
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm sâu hơn ở mức 16,2%. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD. Theo thống kê, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 53 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ), một lượng lớn hàng tồn kho được giải phóng, việc làm được cải thiện, sức mua tại Hoa Kỳ sẽ dần phục hồi, nhất là phục vụ cho mua sắm dịp cuối năm 2023. Nhờ đó, dự báo tích cực từ nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ phục hồi nhẹ vào quý 4 năm nay.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,1 tỷ USD. Theo ghi nhận, nhập siêu từ Trung Quốc trong 8 tháng đạt 32,3 tỷ USD, giảm 30,2%.
Ở chiều ngược lại, về chi ngân sách nhà nước, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 139 nghìn tỷ đồng; lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 1.081,2 nghìn tỷ đồng, bằng 52,1% dự toán năm và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, chi thường xuyên 8 tháng năm 2023 ước đạt 715,9 nghìn tỷ đồng, bằng 61,1% dự toán năm và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; chi đầu tư phát triển đạt 297,7 nghìn tỷ đồng, bằng 41% và tăng 40,3%. Còn chi trả nợ lãi 65,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1% dự toán và tăng 0,9%.
Như vậy, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tuy nhiên, tính hết tháng 8, ngân sách nhà nước chỉ còn duy trì thặng dư 43,3 nghìn tỷ đồng; giảm gần 16 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 7 (59,2 nghìn tỷ đồng) và ngày càng co hẹp so với những tháng trước đó.