Chiều 27-8, Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long đã tới Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến 29-8 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đây cũng là chuyến thăm nằm trong một loạt sự kiện mà hai bên tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Singapore, sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore vào tháng 2-2023.
Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ dự một loạt các hoạt động, các sự kiện quan trọng thể hiện sự hợp tác toàn diện, tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Singapore.
Với 3.274 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 73,5 tỉ USD, Singapore đứng đầu ASEAN và thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân là 22,4 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung là khoảng 12,1 triệu USD/dự án.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, Singapore là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam với 163 dự án cấp mới, 72 lượt điều chỉnh và 164 lượt góp vốn mua cổ phẩn với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỉ USD.
Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam (18/21 ngành), chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, điều hòa.
Singapore đã đầu tư tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam: TP HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, Long An, Quảng Nam…
Theo các chuyên gia, thực tế dòng vốn của Singapore vào Việt Nam đến từ các nước Mỹ và châu Âu. Lý do chính để làm điều này là yếu tố hiệu quả pháp lý và hoạt động. Ví dụ, từ góc độ pháp lý hoặc quy định, các giao dịch như thay đổi hoặc thêm cổ đông ở Singapore đơn giản và nhanh chóng hơn ở Việt Nam.
Với cơ sở hạ tầng mạnh mẽ của thị trường tài chính Singapore, quốc đảo này trở thành “hub” của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các công ty có thể chọn đặt trụ sở khu vực tại Singapore, sau đó đưa ra quyết định đầu tư và lựa chọn địa điểm đầu tư khắp châu Á.
“Siêu dự án” của Singapore tại VN gần đây là nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu (cấp phép năm 2020, vốn đăng ký 4 tỷ USD); khu nghỉ dưỡng Nam Hội An ở Quảng Nam (cấp phép năm 2010, vốn đăng ký 4 tỷ USD) và dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (cấp phép năm 2021, vốn đăng ký 3,12 tỷ USD)…
Mới đây, Tập đoàn Singapore Thomson Medical Group (TMG) đã đồng ý mua lại FV Hospital với mức giá 381,4 triệu USD (hơn 9.000 tỷ đồng), đánh dấu thương vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Nắm loạt DA bất động sản đắc địa trải dài từ TP. HCM – Hà Nội
Từ năm 1996, Tập đoàn Sembcorp Industries của Singapore và Tập đoàn Becamex đã thành lập Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đầu tiên, với diện tích 2.500 ha tại tỉnh Bình Dương.
Đến nay đã có 14 VSIP hiện diện tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với quy mô lên khoảng 11.000 ha. Các VSIP đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy cao (khoảng 83,2%), thu hút được 18,7 tỉ USD tổng vốn đầu tư cho khoảng 866 dự án, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động.
Đến nay, đã có 12 VSIP trên khắp cả nước, thu hút tổng vốn đầu tư trị giá khoảng 17 tỉ USD và đã tạo ra hơn 300.000 việc làm tại VN. Gần nhất, VSIP Nghệ An vừa được chấp thuận đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1) với quy mô 500ha.
Trong các công ty liên doanh, VSIP là liên doanh mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Becamex IDC. Năm 2022, VSIP ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.258 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021. Đây là con số lợi nhuận cao nhất trong 4 năm qua. Lãnh đạo Becamex cho biết liên doanh này sẽ được IPO trong tương lai để nâng tầm phát triển.
Việt Nam còn là thị trường trọng yếu đối với các nhà đầu tư bất động sản Singapore như Keppel Land , CapitaLand , Frasers Property …
Trong đó nổi bật là công trình tòa tháp Saigon Centre có tổng mức đầu tư khoảng 270 triệu USD, nằm trên đường Lê Lợi (Quận 1, TP. HCM) của Keppel Land Watco. Đây là doanh nghiệp liên doanh được góp vốn bởi Tập đoàn Keppel Land (Singapore), Tổng công ty Đường sông Việt Nam và Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn.
Ngoài ra, Keppel Land còn đầu tư vào dự án Empire City Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Dự án có diện tích 14,5 ha, được quy hoạch thành một khu phức hợp gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ… trong tòa nhà đa chức năng cao 88 tầng.
Còn CapitaLand hiện đang là một trong những nhà đầu tư bất động sản lớn tại Việt Nam với 2 dự án phức hợp, trên 13.000 căn hộ tại 17 dự án nhà ở và một khu bán lẻ tại TP. HCM và Hà Nội. Có thể nhắc đến dự án Zenity nằm trên đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 1, TP.HCM) với 198 căn hộ hạng sang. Trước đó, chủ đầu tư Capitaland Development đã triển khai nhiều dự án căn hộ quy mô lớn ở TP. HCM như: Feliz en Vista, Vista Verde, Define…
Temasek – một cái tên hiện diện ở Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực từ công nghệ, logistics đến TMĐT,… cũng thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến BĐS tại Việt Nam thông qua công ty Mapletree.
Các dự án đáng chú ý của Mapletree tại Việt Nam có thể kể đến như tòa nhà Pacific Place (Hà Nội), mPlaza Saigon (trước đây là Kumho Asiana Plaza), SC Vivo City, Mapletree Business Centre… Mapletree cam kết sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào các dự án khu kho vận, khu công nghiệp, văn phòng, khu bán lẻ và khu chung cư tại Việt Nam.
Temasek cũng đang tiếp tục đầu tư dài hạn vào 2 tập đoàn công nghệ lớn là FPT và VNG tại Việt Nam. Quỹ này cũng đầu tư vào một loạt các công ty như OnPoint, The CrownX, Golden Gate Group, công ty niêm yết trên sàn như thủy sản Minh Phú, Vinamilk… hay Scommerce, nền tảng logistic và giao nhận thuộc mảng giao nhận thương mại điện tử Giao hàng nhanh (GHN) và Ahamove.
Đến năm 2021, Temasek đã giải ngân trực tiếp hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam.
Neptune, Cái Lân, Simply… đặt nền móng cho thị trường dầu ăn
Wilmar International – một trong những nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới cũng xem Việt Nam là cứ điểm. Hiện Wilmar đang sở hữu 10 nhà máy lớn tại Việt Nam.
Công ty con của Wilmar tại Việt Nam là Công ty Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) là nhà sản xuất dầu ăn lớn nhất, và là một trong những đơn vị đặt nền móng cho ngành công nghiệp sản xuất và chế biến dầu thực vật tại Việt Nam. Calofic là công ty liên doanh giữa Vocarimex và Siteki Investment (thuộc Wilmar). Công ty được thành lập vào năm 1996, tổng vốn đầu tư cho tới nay hơn 260 triệu USD.
Hiện công ty có 2 nhà máy sản xuất tại Quảng Ninh và TP HCM với tổng công suất lên đến 2.300 tấn một ngày đêm. Calofic sở hữu những thương hiệu có uy tín nhất thị trường hiện nay như Neptune, Simply, MEIZAN, Cái Lân, Kiddy,…
Công ty đạt doanh thu tăng trưởng trên 10.000 tỷ/năm trong giai đoạn 2014 -2020. Dù vậy, tỷ suất lợi nhuận của Calofic tương đối thấp.
Tập đoàn kinh doanh nông sản và thực phẩm hàng đầu thế giới Olam cũng chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển kết nối xuất khẩu nông sản, với trụ sở đặt tại Đăk Nông.
Olam Việt Nam hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều, hạt tiêu và cà phê hòa tan lớn nhất tại Việt Nam. Hiện tại, công ty có hàng nghìn lao động làm việc tại 10 nhà máy chế biến nông sản lớn đặt tại miền Trung và miền Nam. Ngoài ra, công ty Olam Việt Nam cũng được đánh giá là nhà xuất khẩu cà phê thô lớn thứ ba tại Việt Nam.
Shopee, Grab “bùng nổ” và thống lĩnh ngành TMĐT
Shopee, Grab là 2 cái tên có tốc độ bành trướng không tưởng trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam sau vài năm xuất hiện, vươn lên thống trị ngành TMĐT trong nước.
Theo thống kê gần đây của Reputa, Shopee dẫn đầu Bảng xếp hạng Sàn Thương mại điện tử năm 2022 tại Việt Nam khi chiếm đến gần 73% tổng doanh số 4 sàn, tương ứng với khoảng 91.000 tỷ, vượt mặt các đối thủ là Lazada, Tiki hay Sendo, TikTok Shop.
Grab cũng đứng đầu ngành giao thông vận tải, vượt qua Be, Gojek.
Với người Việt Nam, giai đoạn 2014 – 2015, “chạy Grab” còn được xem là câu cửa miệng. Theo ABI Research, năm 2020, Grab chiếm 74,6% thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM phủ kín màu áo xanh Grab.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2022 cho thấy khoản lỗ lũy kế của Grab ở Việt Nam khoảng 4.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp Singapore còn ghi dấu tại Việt Nam trong ngành trang sức. Từ năm 2016, tập đoàn Norbreeze có mặt tại Việt Nam và đang phân phối độc quyền thương hiệu trang sức Pandora tại khu vực Đông Dương. Norbreeze hiện ở hữu 13 cửa hàng tại TP. HCM và Hà Nội. PNJ là 1 trong các đối tác chiến lược.
Nova F&B của NOVA Group là doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình hoạt động và nhận quyền thương hiệu của nhà hàng Jumbo Seafood ở Singapore. Đây là thương hiệu ẩm thực nổi tiếng tại đảo quốc sư tử với các món hải sản như cua sốt ớt, tôm hùm, cua hoàng đế…
Nhiều tên tuổi đầu tàu của Singapore cũng nhắm đến các “ông lớn” ở Việt Nam và từng bước gia tăng sở hữu
Fraser&Neave – tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore hiện là cổ đông lớn của Vinamilk (nắm 17,69% vốn) thông qua công ty con F&N Dairy Investments. Em trai Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là chủ tịch tập đoàn này từ năm 2007-2013.
Jardine Cycle & Carriage (JC&C) – đơn vị sở hữu hơn 26,6% cổ phần tại Thaco ghi nhận thắng lớn với khoản đầu tư vào Thaco, với lợi nhuận thu về khoảng 82,8 triệu USD trong năm 2022. Bên cạnh đó, khoản đầu tư vào CTCP Cơ điện lạnh (REE) thu lợi nhuận 37,7 triệu USD.