Mối tình năm 16 tuổi với “ông chú” và cuộc nói chuyện thay đổi cuộc đời
Khi phải lòng anh Lê Văn Công, chị Chu Thị Tám có lẽ không nghĩ đến việc hơn chục năm sau, chồng mình lại nổi tiếng đến vậy. 23/8 vừa qua, anh đạt Huy chương Vàng hạng cân 49kg tại giải Cử tạ người khuyết tật vô địch thế giới 2023 tại Dubai.
Anh cũng vận động viên cử tạ khuyết tật Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương vàng Paralympic, đồng thời lập kỷ lục thế giới trong môn cử tạ dành cho người khuyết tật tại Thế vận hội Rio de Janeiro 2016. Kỷ lục hiện tại Lê Văn Công đang nắm giữ là kỷ lục thế giới với trọng lượng tạ 183,5kg thiết lập từ 2017. Trước đó, anh cũng lập kỷ lục thế giới năm 2014.
Anh Lê Văn Công (giữa) vừa giành HCV cử tạ thế giới tại Dubai
Ở nhà, anh chỉ đơn giản là chồng của một người vợ đẹp và hai con là con trai Lê Tuấn Anh và gái út Lê Trâm Anh. Hai vợ chồng anh đã về chung một nhà được 15 năm nay.
Hồi hai người gặp nhau, chị Tám mới 16 tuổi, từ quê Nghệ An vào làm công nhân may ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Anh Công lúc đó cũng mới bén duyên với bộ môn cử tạ chưa lâu và đang học nghề điện tử. Một người bạn thân rủ đi chơi thăm em gái, anh Công đi cùng cho vui.
Người em gái kia là đồng nghiệp thân thiết của chị Tám. Hôm ấy chị tăng ca về muộn, gặp hai người đến chơi, chị Tám thỏ thẻ: “Cháu chào hai chú”. Anh Công mạnh dạn trêu lại: “Cháu lớn nhanh lên, chú chờ”.
Anh nhớ lại: “Để vượt qua mặc cảm về cơ thể, đối diện với một người con gái lành lặn, rất sự rất khó khăn. Thời gian đầu gặp mặt, mình chỉ qua phòng gặp em lúc em tan ca, nói chuyện một lúc rồi đi về, còn không dám mời đi uống nước hay đi ăn, đi chơi đâu khác”.
Còn với chị Tám, thuở 16 tuổi, chưa từng yêu ai, chưa hiểu biết cuộc đời nhiều, chị cũng có dè chừng nhất định với đàn ông. Điều khiến chị cảm mến nhất ở anh Công, đó là anh rất hiền và tôn trọng chị, đặc biệt là luôn giữ ranh giới.
Khi nghe chuyện chị Tám phải lòng một “ông chú” khuyết tật, chưa có công danh hay sự nghiệp ổn định, gia đình chị cản trở rất nhiều, chỉ có một mình mẹ, với linh cảm của một người phụ nữ từng trải, thấu hiểu và đồng ý với tình yêu của con gái. Chị Tám có 7 người anh chị lớn, họ cũng làm áp lực rất nhiều, mong em gái thay đổi ý định.
Sau nhiều sóng gió, cả hai đã về chung một nhà
Anh Công nhớ lại: “Cuối năm 2007, mình gặp được 4 người anh trai của vợ. Ai ngờ sau bữa đó, mình không thể gọi điện được cho vợ nữa. Mình tìm đến chỗ làm hỏi thăm thì mọi người trả lời Tám đã về quê luôn trong đêm rồi. Mình hiểu, chắc các anh đã vào để đem em gái về. Mình mất liên lạc khoảng 6 tháng, hoàn toàn bặt tin nhau”.
Hóa ra, các anh của chị Tám, để ngăn chặn tình yêu bồng bột của em gái, đã đến bắt đưa về. Sim điện thoại và địa chỉ có thể liên lạc với anh Công cũng bị bắt để lại Sài Gòn.
Vậy mà, anh Công đã tìm mọi cách, hỏi khắp nơi để có địa chỉ gửi thư, bày tỏ nhớ thương da diết với vợ.
Vừa nhận thư, chị Tám lén gọi điện cho anh, chỉ dám nói tên bố mẹ và làng xã ở quê. Tối hôm sau, anh Công đã tìm thẳng đến nhà chị ở Nghệ An, vào trình bày với bố mẹ chị: “Cho con xin phép làm đám hỏi, cưới em Tám làm vợ”.
Chị Tám còn đang ngỡ ngàng vì thấy người yêu, không hẹn trước mà đi xe ba bánh từ Hà Tĩnh ra Nghệ An, lại càng choáng hơn khi nghe anh xin cưới. “Lúc ấy, mình vừa vui vừa sợ. Thấy anh ngồi nói chuyện với bố mẹ đĩnh đạc, thẳng thắn, mình cũng có phần yên tâm hơn.
Bố mẹ rất hiền, khách đến là đón tiếp, bảo anh ở lại nghỉ ngơi, hôm sau làm cơm mời anh ăn rồi mới nói chuyện. Các anh, các chị của mình cũng tụ tập đông đủ. Bố căng thẳng lắm vì sợ con gái sẽ khổ, không muốn gả đâu.
Còn mẹ và một số anh chị lại là đồng minh của hai đứa, nói vun vào. Lúc này mình tuyên bố: Nếu không cho lấy anh Công, con sẽ ở vậy không lấy chồng luôn. Con đã lựa chọn rồi, sướng khổ sao cũng mình con tự chịu, không phiền hà gì đến gia đình”.
Hai em bé của anh Công, chị Tám lúc nhỏ.
Cuối bữa trưa, bố chị Tám cuối cùng cũng đồng ý. Anh Công vội vàng gọi điện về cho bố mẹ bảo chuẩn bị lễ vật đón con dâu, ông bà còn tưởng là anh đùa.
Người con gái 18 tuổi vì mãnh lực tình yêu với anh Công, sau khi kết hôn, làm đúng như những gì chị nói, tự xoay xở với cuộc sống bên anh chồng khuyết tật. Chị kể, khi thấy con trai đầu khỏe mạnh, đầy đủ chân tay chào đời, anh đã bật khóc.
Nhà vô địch lì lợm và cuộc sống bình dị sau vinh quang
Khiếm khuyết từ khi lọt lòng, luôn ý thức được sự kém may mắn của mình, anh Công tìm niềm vui trong các hoạt động học hành. Tuổi thơ anh ở quê nghèo Hà Tĩnh rất cực khổ, bị liệt chân vì mẹ anh khi mang thai thì sốt xuất huyết nặng.
“Mình đi học mà rất buồn, thấy các bạn chạy nhảy, đi xe đạp mình cũng muốn thế nhưng không có cách nào dùng được đôi chân cả. Lúc đó đi học trung học cơ sở, các bạn ghẹo là “thằng què kìa”, mình tủi thân kinh khủng, ngày hôm sau không muốn tới trường nữa.
Những năm 2003 – 2004, mình vào Sài Gòn học nghề điện tử vì thấy hợp với bản thân và mình thích. Buổi sáng đi học, buổi chiều xin vào xưởng gỗ để làm việc chà nhám gỗ ở quận 9, tối lại tham gia câu lạc bộ hướng nghiệp dành cho người khuyết tật ở quận Bình Thạnh để học tin.
Học xong mình vô tình gặp thầy chủ nhiệm CLB đó, thầy kiêm luôn chủ nhiệm CLB thể thao người khuyết tật quận Tân Bình và giới thiệu mình đến với CLB”.
Anh Công nhớ lại, khi anh thổ lộ muốn thử chơi cử tạ, thầy bảo anh dang tay ra thử xem và chia sẻ rằng tay anh có dạng cán vá, nếu tập không cẩn thận sợ trật khớp. Dù vậy, anh Công vẫn kiên định với ý thích của mình. Anh bảo sau khi xem cuộc thi Asian Para Games tổ chức tại Hà Nội trên tivi, thấy các vận động viên khuyết tật thi cử tạ, anh hâm mộ anh Chu Văn Phi Quốc và quyết tâm làm bằng được.
Lê Văn Công ăn mừng sau khi giành HCB Paralympic Tokyo 2020. (Ảnh: Reuters)
Nhưng người thầy đầu tiên của anh Công lo không thừa. Năm 2008, khi tham gia thi đấu tại Bắc Kinh, anh Công đã bị chấn thương nghiêm trọng, phải nghỉ hẳn tập luyện.
Chị Tám đành để con ở nhà với bố và đi làm. Anh Công ở nhà với đôi vai chấn thương và đứa trẻ 10 tháng tuổi trong phòng trọ 10m2. Cứ đến trưa, chị Tám chạy từ công ty về lo cho hai cha con. Lúc đó, chị đã khuyên anh từ từ dưỡng thương, nếu cần thì bỏ nghề cử tạ cũng được. Ai ngờ anh Công trốn đi tập luyện ở Tân Bình. May sao anh lại phục hồi sức khỏe nhanh và lại lao vào thi đấu.
Sự lì lợm của anh đã trả lại thành quả là những kỷ lục hiếm có. “Những lần đứng trên bục vinh quang, mình thấy rất tự hào về bản thân mình. Qua những tấm huy chương đó, ngoài các khoản tiền thưởng trang trải cho gia đình, mình còn tạo được danh tiếng, cơ hội để hòa nhập với xã hội. Không phải là gánh nặng cho gia đình và xã hội, đó là điều hạnh phúc nhất với mình”, anh hạnh phúc nói.
Gia đình êm ấm hiện tại của nhà vô địch
Anh Công vẫn đang ở đỉnh cao phong độ, vẫn miệt mài với công việc huấn luyện và thi đấu. Trong tuần, anh tập trung huấn luyện ở trung tâm, cuối tuần lại về nhà làm ở cửa tiệm nhỏ sản xuất thiết bị âm thanh.
Mọi việc trong nhà hầu hết do tay vợ chăm chút. Năm 2019, hai vợ chồng tự tích cóp mua được nhà ở Hóc Môn, ghi dấu những nỗ lực nhiều năm của họ. Anh Công tâm sự, anh mong sau này có thể mở phòng gym mang tên mình vừa để tập luyện vừa để có chỗ sinh hoạt cho các anh chị em khuyết tật khác, lan tỏa tình yêu thể thao và nghị lực cho mọi người.
Nguồn: Gõ cửa thăm nhà, NVCC